(VOV5) - Hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng, vai trò, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế được nâng cao, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm nay là 28,2 %.
Hôm nay (25/11) là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tại Việt Nam, lĩnh vực bình đẳng giới thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Cụ thể, hiện tại có 59% các bộ, cơ quan ngang bộ tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). Khoảng cách về giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng, vai trò, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế được nâng cao, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm nay là 28,2 %. Nhiều nữ sĩ quan của Việt Nam cũng đã tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ).
Ghi nhận những tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới, ngày 09/04 năm nay, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng chấp hành Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 – 2027.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: “Bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu mà Việt Nam đã đạt và vượt mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2024 tăng 11 bậc. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới do Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năm 2024 Việt Nam tăng 11 bậc, xếp 72/146 quốc gia”.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, từ nhiều năm qua Việt Nam đã tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương và nhiều bộ ngành.
Trong năm ngoái, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hơn 6.000 hoạt động truyền thông với hơn 950.000 người tham gia (trong đó nam giới chiếm khoảng 30%); gần 480.000 sản phẩm truyền thông được phát hành; gần 3.800 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề được tổ chức; 57.683 lượt tin, bài được sản xuất, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; hơn 1.4 triệu tờ rơi, sản phẩm truyền thông được sản xuất. Ước tính có hơn 10 triệu lượt người tham gia, tiếp cận với các thông điệp truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.