(VOV5) - Hội nghị thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người”.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 theo hình thức trực tuyến đã diễn ra tối 10/9, do nước Chủ tịch G20 Ả rập Xê út chủ trì. Việt Nam tham dự trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 - Ảnh: Báo Nhân dân |
Hội nghị thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người”. Tuyên bố nhấn mạnh, các nước sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm rằng các nỗ lực phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ đặt tăng trưởng bền vững và việc làm có chất lượng làm ưu tiên; điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm để bảo vệ cho mọi người lao động, bao gồm cả các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những lao động trong khu vực phi chính thức.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định sự nhất trí và đánh giá cao Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 cho tất cả mọi người”; chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ASEAN và Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, đề cao vai trò của các nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh phải ứng phó với những thách thức lớn như đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ thưởng, nhằm hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang đề xuất gói hỗ trợ tiếp theo dành cho doanh nghiệp nhằm khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh: Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra một số gói hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, đồng thời hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về mặt xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, nhất là về kỹ năng lao động và việc làm thỏa đáng. Nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động, dự báo trong năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.