(VOV5) - Vượt qua những khó khăn do bệnh tật gây ra, nhiều nạn nhân chất độc dacam/dioxin đã có những đóng góp cho xã hội, truyền cảm hứng sống tích cực cho nhiều người.
Ngày 10/08/2021, Việt Nam kỳ niệm 60 năm ngày thảm họa dacam. Loại chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống các địa phương của Việt Nam từ năm 1961 - 1971 đã di truyền sang nhiều thế hệ người Việt Nam, gây ra những căn bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Vượt qua những khó khăn do bệnh tật gây ra, nhiều nạn nhân chất độc dacam/dioxin đã có những đóng góp cho xã hội, truyền cảm hứng sống tích cực cho nhiều người.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT |
Chịu di chứng chất độc da cam từ cha, khi sinh ra anh Chu Quang Đức ở Mê Linh, Hà Nội đã bị biến dạng một nửa cơ thể, với đôi chân tàn phế, đôi tay co quắp. Nhưng không chịu đầu hàng số phận, anh đã hoàn thành các cấp học và thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm. Cậu bé nạn nhân chất độc da cam ngày nào giờ đã là thầy giáo dạy Tin học của trường THPT Mê Linh, Hà Nội, hàng ngày đi về trên chiếc xe lăn. Bằng nỗ lực tìm tòi của bản thân, luôn cập nhật những kiến thức mới, thầy Chu Quang Đức đã tận tâm dạy dỗ bao thế hệ học trò. Thầy giáo Chu Quang Đức chia sẻ:Tôi thấy mình cần cố gắng để có thể đem lại kiến thức cho học sinh, để các em có thể tiến bộ, bắt kịp được với thời đại bây giờ, học trực tuyến rồi tài liệu. Nói chung là tôi luôn thay đổi phương pháp, thích nghi với xã hội nên không bị tụt hậu so với thời cuộc.
Thầy Chu Quang Đức và cha anh là cựu chiến binh Chu Quang Chiến. Ảnh: Hà Anh/ baoquocte.vn |
Còn đối với anh Dương Văn Bình, ở phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, trong gia đình cả 3 anh em đều bị tàn tật do di chứng chất da cam từ người bố là cựu chiến binh. Bản thân anh Bình bị teo chân, biến dạng u, gù cột sống, nhưng anh vẫn quyết tâm học nghề để giảm gánh nặng cho gia đình. Anh thuê một cửa hàng ở thành phố Sông Công để khởi nghiệp sửa chữa đồ điện tử. Có chút vốn liếng, vợ chồng anh Bình quyết tâm mở trang trại chăn nuôi, rồi mở xưởng may gia công các sản phẩm dân dụng. Hiện nay xưởng may của anh Dương Văn Bình tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam: Hàng năm hội nạn nhân chất độc da cam của thành phố, có phối hợp với Sở Lao động Thương binh xã hội và Trung tâm dạy nghề của tỉnh đào tạo chính sách cho con em là nạn nhân chất độc da cam. Tôi đã tìm đến các em, mời các em về cơ sở để vợ tôi đào tạo các em. Sau khi các em làm được, chúng tôi nhận em đó làm tại cơ sở may của chúng tôi. Có những em đã phấn đấu đạt được 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Nụ cười vẫn hiện lên trên gương mặt các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngay cả những lúc khó khăn nhất. Họ không cảm thấy đơn độc bởi đồng hành cùng họ còn có sự hỗ trợ của nhà nước, có các cấp chính quyền, đoàn thể, và xã hội. Những năm qua, Quỹ nạn nhân da cam các cấp đã huy động được 2.660 tỷ đồng để giúp đỡ các nạn nhân. 12 làng hòa bình, làng hữu nghị, và nhiều trung tâm trẻ khuyết tật, trung tâm bảo trợ xã hội đang phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ em khuyết tật do chất độc da cam, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.