(VOV5) - Đồng bằng sông Cửu Long cần được xác định theo hai khía cạnh: “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế trung ương tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: sggp.org.vn |
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước. Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế xã hội giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về định hướng phát triển dài hạn, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển dài hạn, bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long cần được xác định theo hai khía cạnh: “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng. Theo đó, các giải pháp phát triển phải đảm bảo cho vùng an toàn trước những ảnh hưởng lớn của tự nhiên, đảm bảo về an ninh quốc phòng, đa dạng về văn hoá cũng như hoạt động kinh tế, bền vững về môi trường sinh thái.