(VOV5) - Cơn bão đổ bộ vào sáng sớm ngày 11/11 gây nhiều thiệt hại kinh tế cho Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng chưa có thiệt hại về người.
|
Bộ đội biên phòng gọi ngư dân đưa thuyền vào tránh bão ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: Ninh Hằng. |
Ngay trong đêm 10/11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “ Sau bão sẽ phải đối phó với mưa, tôi đề nghị cần phải thường xuyên túc trực, điểm nào có dấu hiệu bị đe dọa là có sự hỗ trợ kịp thời. Lực lượng quân đội, công an phải phối hợp cứu giúp cho người dân.”
|
Bộ đội biên phòng giúp người dân huyện đảo Cát Hải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Hoàng Thủy. |
Chính quyền thành phố Hải Phòng kêu gọi gần 4.200 phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không còn phương tiện hoạt động trên biển. Thành phố sơ tán trên 23.500 người dân đến nơi trú tránh an toàn, tiến hành cấm xe lưu thông trong đường nội đô và trên tuyến quốc lộ 10.
|
Người dân Thanh Hóa cấp tập ngăn đê chống bão chiều 10/11. Ảnh: Lê Hoàng |
Tại tỉnh Quảng Ninh, chính quyền cùng các lực lượng bộ đội, công an trên địa bàn tỉnh đã ứng trực 100% quân số, sẵn sàng các phương án cứu nạn, xử lý tình huống khẩn cấp. Thành phố Hạ Long cắt điện từ 9 giờ tối 10/11 để đảm bảo an toàn, cấm các phương tiện đi qua cầu Bãi Cháy. Ông Cao Tường Huy, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh thành lập 5 đoàn kiểm tra do các vị lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra các địa phương để chỉ đạo đôn đốc các địa phương phòng chống bão. Các hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ lũ quét sạt lở đất đã được di dời đến nơi an toàn. Ủy ban tỉnh cũng chỉ đạo các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đoàn thanh niên, giao thông vận tải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện sẵn sàng ứng cứu.”
Theo báo cáo nhanh, thiệt hại ban đầu gần 60 ngôi nhà bị tốc mái, hàng chục cột điện hạ thế gãy đổ gây mất điện trên diện rộng, tê liệt hoàn toàn hệ thống viễn thông Viettel. Rất may chưa có thiệt hại về người./.