Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của năm 2012 còn hết sức nặng nề, cần sự phấn đấu quyết liệt, cao độ của các Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

(VOV5) - Ngày 05/09, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Phiên họp nhằm đánh giá tính hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, dự báo cả năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013, đồng thời thống nhất các biện pháp tập trung chỉ đạo và điều hành nền kinh tế trong thời gian tới. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua cũng như 9 tháng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích rõ khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:“Các ngân hàng cần hết sức chú ý. Thống đốc, Phó thống đốc đã chỉ đạo rất quyết liệt, nghiêm túc. Nhưng ở cấp dưới, nhất là các ngân hàng thương mại cần phải kiểm tra và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng phát triển và phục hồi sản xuất”.

Cùng với tập trung tháo gỡ, giải quyết những kháo khăn, vướng mắc nảy sinh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách Chính phủ đã đề ra mới đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội trong cả năm nay. Thủ tướng lưu ý tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là tín đụng hướng vào nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%; tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra… Mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 đề ra là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; không để lạm phát cao trở lại; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với môi trường đầu tư kinh doanh và sự ổn định của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng hợp lý khoảng 6%; quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng; mở rộng quan hệ đối ngoại; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội./.

Phản hồi

Các tin/bài khác