Chủ tịch nước: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

(VOV5) - Sáng11/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đến thăm và khảo sát tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Cùng đi có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và đại diện một số bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.

Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp chủ dự án cho biết, dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) là một trong những dự án quan trọng nằm trong các quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của cả nước và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030.

Chủ tịch nước: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ  - ảnh 1
Chủ tịch nước đến thăm và làm việc tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội

Cả nước đã có một số dự án các khu công nghiệp tập trung cho ngành hỗ trợ, nhưng dự án này là dự án đầu tiên đang trở thành hiện thực. Dự án này được thực hiện với quy mô 640ha và kỳ vọng định hướng mở rộng 2000ha tại cửa ngõ Nam thủ đô Hà Nội.

Đến nay, dự án đã hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, kế hoạch đến cuối quý II/2014 sẽ bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp vào xây dựng nhà máy, trong đó đã có một số tập đoàn lớn của Nhật Bản như NIDEC (chuyên sản xuất các loại động cơ máy bay, ô tô, máy tính...), TAKAKO (chuyên sản xuất Piston các loại chiếm 70% thị phần toàn thế giới) và một số công ty trong nước như Hanel, Công ty Cơ khí thiết bị Thăng Long... nghiên cứu đầu tư tại đây.

Dự án sẽ đảm bảo thu hút khoảng 3.000 doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, tạo ra hơn 300.000 việc làm. Đặc biệt, dự án này sẽ tạo tính lan tỏa khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam nói riêng và hình thành, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng kiến nghị thành phố Hà Nội và Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc về vốn, lãi suất, các chính sách nhất là thuế để tạo điều kiện cho khu công nghiệp tăng sức cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp hỗ trợ này.

Lắng nghe báo cáo và phát biểu của các ban ngành và chủ đầu tư, Chủ tịch nước khẳng định việc hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy công nghiệp sản xuất, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay mới hình thành khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên là quá chậm so với các nước trong khu vực và đặc biệt chúng ta cũng cần chú ý đến chuyển từ công nghiệp gia công sang công nghiệp sản xuất tại chỗ mới tạo nên nền công nghiệp bền vững trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới: “Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng rất lớn với nền kinh tế xã hội, nếu chúng ta cứ đủng đỉnh chậm chạp như thế này thì nguy hiểm sẽ đe dọa chỉ vài ba năm tới thôi. Nhưng nếu chúng ta cố gắng thì sẽ vượt được qua khó khăn. Chủ đề của ngày hôm nay rất hay là: Phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ để chuyển hóa nền kinh tế công nghiệp từ gia công sang nền công nghiệp là chủ yếu”.

Hoan nghênh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tập trung cao độ cho việc thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp. Chủ tịch nước cũng ghi nhận ghi nhận những kiến nghị và đề nghị các chủ đầu tư, các ban ngành và thành phố cần rà soát tháo gỡ cho doanh nghiệp, sớm có đề xuất trong việc ban hành cơ chế chính sách kịp thời, đặc biệt là thuế nhằm tạo cơ chế cởi mở, thông thoáng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nước ta.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý phải tập trung quyết liệt vào 3 lĩnh vực đột phá đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách thể chế. Đây là những yếu tố quan trọng trước những cơ hội và thách thức khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do với khu vực ASEAN, ASEAN-Trung Quốc vào năm 2015, nhất là khi chúng ta hoàn thành đám phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới đây./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác