(VOV5)- Giới báo chí cũng như các học giả quốc tế thời gian qua liên tục nhắc tới “tham vọng bá quyền” của Trung Quốc, thông qua việc thúc đẩy hợp pháp hóa những vùng biển tranh chấp hay biến những vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển tranh chấp.
Theo đó, Trung Quốc đã đẩy nhanh các hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông, mà diễn biến mới nhất là việc đầu tư gần 6 triệu USD để xây trường học trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cũng theo báo cáo công bố hồi cuối tuần qua của Chính phủ Philipines, Trung Quốc có thể đang cải tạo đất tại ít nhất 5 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm đảo Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Giới chuyên gia lo ngại việc cải tạo của Trung Quốc nhằm các mục đích quân sự, đặc biệt là việc xây dựng một đường băng, để làm nền tảng thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Trong một phát biểu ngày hôm qua, Ngoại trưởng Philipines Anbert del Rosario nhấn mạnh chính sách này của Trung Quốc ở biển Đông sẽ đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực. Ông cũng lý giải hành động vội vã của Trung Quốc là vì muốn các công trình được hoàn thành trước khi các bên thống nhất được Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).
Kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa-Việt Nam (ảnh: aninhthudo.vn)
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo La Croa của Pháp ngày 16/6 bà Valérie Niquet, chuyên gia quốc tế về các vấn đề chiến lược tại châu Á, cho rằng Trung Quốc đang cho thấy “tham vọng bá quyền” trên biển Đông khi tìm cách hợp pháp hóa những vùng biển tranh chấp. Khi được hỏi, liệu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông và Hoa Đông có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không, bà Valérie Niquet cho rằng Trung Quốc đang đưa ra những yêu sách chủ quyền dựa trên “sự diễn giải” lịch sử ngụy biện.
Ngay sau khi một số báo của Australia đăng tải bài viết của hai nhà nghiên cứu và ngoại giao Trung Quốc với cùng nội dung “Việt Nam không có tuyên bố pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, Giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã phản hồi tới các tòa soạn, kịch liệt phản đối quan điểm của hai tác giả xung quanh vấn đề Biển Đông và những căng thẳng với Việt Nam trên Biển Đông hiện nay.
Về bài viết của tác giả Triệu Thanh Hải (Zhao Qinghai), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác và an ninh hàng hải, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, đăng trên tờ “The Australian Financial Review” ngày 11/6, Giáo sư Thayer khẳng định đây không phải là bài bình luận có tính chất học thuật khi chỉ nêu lại chính sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Giáo sư Thayer phản đối lập luận của tác giả Thanh Hải rằng luật pháp quốc tế đứng về phía Trung Quốc vì giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng liền kề của Trung Quốc. Theo Giáo sư Thayer, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 cùng một hạm đội tàu chiến và tàu vũ trang vào Biển Đông là hoàn toàn vô lý, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Giáo sư Thayer nhấn mạnh Trung Quốc cũng đang xuyên tạc Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1958 và ông Thanh Hải đang tuyên truyền thông tin không đúng sự thật đó. Giáo sư Thayer cho rằng Trung Quốc nên phản ứng tích cực với những yêu cầu liên tục của Việt Nam./.