Hoàn thiện các dự thảo Chiến lược liên quan đến phát triển giáo dục, dạy nghề

 

(VOV5) - Ngày 8/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chủ trì phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.


Hoàn thiện các dự thảo Chiến lược liên quan đến phát triển giáo dục, dạy nghề - ảnh 1

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải đảm bảo xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao; đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các yêu cầu phát triển khác của đất nước.  Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020.

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, dần từng bước hình thành xã hội học tập.

Chiến lược nêu 7 giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 là: đổi mới và quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệp quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo  một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

Các mục tiêu cụ thể: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.

9 giải pháp thực hiện bao gồm: xây dựng khung trình độ nghề quốc gia; đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; đảm bảo chất lượng dạy nghề; kiểm soát chất lượng dạy nghề; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư cho dạy nghề; nâng cao nhận thức về phát triển dạy nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề.

Cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp và Dệt Ấn Độ Anand Sharma đang có chuyến thăm và làm việc tại VN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Anand Sharma là đóng góp thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trên cơ sở tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng với Ấn Độ tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống; quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Ấn Độ tạo các điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường của Ấn Độ, từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt Nam - Ấn Độ; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các dự án đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm tổ chức sâu rộng, hiệu quả, thiết thực các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước.

Bộ trưởng Anand Sharma đề xuất hai bên thành lập một Ủy ban cấp vụ để giải quyết các vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, dược phẩm… Bộ trưởng Anand Sharma bày tỏ mong muốn được tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, dược phẩm, năng lượng.


Phản hồi

Các tin/bài khác