Hội thảo khai thác và phát huy âm nhạc dân gian

(VOV5) - Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực miền núi phía Bắc năm 2013 tổ chức tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, sáng nay diễn ra Hội thảo với chủ đề  “Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế”.


Hội thảo nhấn mạnh đến việc “khai thác và phát huy”, nhưng hầu hết các ý kiến tham gia lại đề cập những vấn đề mang tính “nguy cơ” đối với vốn âm nhạc quý giá này. Do vậy, vấn đề bảo tồn Âm nhạc dân gian là việc làm trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cũng cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian không thể phó mặc cho cộng đồng mà cần có những động thái cụ thể, thiết thực từ phía các nhà quản lý và giới chuyên môn.


Việc giới thiệu, quảng bá thôi chưa đủ, mà còn phải tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc gắn với việc đào tạo, sử dụng những tài năng và thế hệ kế thừa. Trong đó, việc đưa âm nhạc dân gian dân tộc vào giảng dạy trong các trường phổ thông là việc làm cần thiết. Tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cho biết: Mỗi một khu vực, một vùng miền, một tỉnh đều có tiềm năng, tinh hoa về âm nhạc dân tộc. Vấn đề là cần đúc kết, tập hợp và lựa chọn như thế nào. Ví dụ như những bài hát dân ca đơn giản đặt lời tiếng Việt thì chính các em học sinh phổ thông có thể hát nguyên bản bằng tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Tày…và các em có thể tập hát đàn tính, tập thổi khèn…thì làm sao đưa được những chương trình âm nhạc vào giáo dục phổ thông thành hệ thống từ cấp nhỏ mà hệ thống đó được duy trì lâu dài thì âm nhạc sẽ được nuôi dưỡng và trở thành phong trào rộng khắp”.

Phản hồi

Các tin/bài khác