Hội thảo “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước”

(VOV5) - Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, nhất là đối với nguồn nước các sông liên quốc gia của Việt Nam là vấn đề hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Hội thảo “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước” - ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo do Viện nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết theo thỏa thuận giữa Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng IPU lần thứ 132 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ 28/3 - 1/4/2015. Tại phiên họp Đại hội đồng IPU 132, các Nghị viện thành viên thảo luận các nội dung nhằm thúc đẩy hành động chung để ứng phó và giải quyết một số vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề quản trị nước. 

Hội thảo “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước” - ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, một chủ đề quan trọng liên quan đến phát triển bền vững được đưa ra tại phiên họp Đại hội đồng là định hình cơ chế mới về quản trị nước, thúc đẩy hành động của các Nghị viện về vấn đề nước. Dự kiến, Đại hội IPU 132 sẽ thông qua Nghị quyết về chủ đề này. Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác hành động của Nghị viện các nước trong việc cùng nhau thực hiện quyền con người về nước và vệ sinh đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 2010”.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, nhất là đối với nguồn nước các sông liên quốc gia của Việt Nam là vấn đề hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó cần tập trung nghiên cứu cơ chế hợp tác hợp lý đề bảo đảm việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện lớn ở các quốc gia thượng nguồn có thể điều tiết hài hòa dòng chảy cho hạ du trong mùa lũ và mùa cạn. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề mất cân đối nguồn nước giữa các mùa, các vùng và các lưu vực sông, suy kiệt dòng chảy, khai thác quá mức”.

14 tham luận tại hội thảo chia thành 6 nhóm chủ đề. Các chuyên gia quốc tế tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quản trị nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Sự cần thiết thiết lập cơ chế đối thoại, chia sẻ thông tin xây dựng khung thể chế quản trị nước giữa các Nghị viện; Vấn đề nước trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác