Khu vực duyên hải miền Trung: Liên kết đào tạo nguồn nhân lực


(VOV5)-  Ngày 8/4, tại thành phố Huế, Tổ điều phối Vùng các tỉnh duyên hải miền Trung phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung.

Khu vực duyên hải miền Trung: Liên kết đào tạo nguồn nhân lực  - ảnh 1

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Chinhphu.vn



Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các GS, PGS đến từ nhiều trường đại học trong cả nước.


Yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn liên kết phát triển nguồn nhân lực miền Trung cho rằng, vùng duyên hải miền Trung có hệ thống đào tạo tương đối khá (với 27 trường đại học, 36 trường cao đẳng và 21 trường trung cấp chuyên nghiệp, 242 cơ sở đào tạo nghề), nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao để phát triển kinh tế- xã hội khu vực.

Toàn vùng có 5,8 triệu người độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, chiếm 71,3% dân số. Đây là một lợi thế, nhưng lại tạo ra áp lực về giải quyết việc làm, giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phần lớn đội ngũ lao động tại các địa phương trong vùng có trình độ học vấn thấp, lao động mới tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm tỷ trọng cao, gây khó khăn cho việc nâng cao trình đội chuyên môn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở day nghề chưa phát huy sức mạnh chung và thiếu tính tập trung trọng điểm trong đầu tư. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.

Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Thống nhất liên kết đào tạo

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, các cơ sở đào tạo cần phải có sự liên kết, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên thế mạnh của mỗi cơ sở, mỗi địa phương.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, khi so sánh với các vùng khác trong cả nước có thể nhận thấy thế mạnh ở các trung tâm đại học của khu vực duyên hải miền Trung như: Huế mạnh về đào tạo khoa học cơ bản, y dược, nông lâm; Đà Năng nổi trội về kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế; Quy Nhơn là khoa học cơ bản, còn Nha Trang là thủy sản.

Chính vì vậy, cần phải có quyết tâm chính trị trong hợp tác tạo lập mối liên thông, liên kết giữa 4 trung tâm đại học của vùng thì sẽ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành mà các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đang cần.

Còn với mỗi trường thuộc 4 trung tâm lại chọn ra 1 đến 2 ngành có thế mạnh (về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phù hợp với lĩnh vực ưu tiên phát triển của vùng) để tập trung đào tạo.

Ngoài ra, các đại biểu thống nhất cần phải có sự hợp tác, phân công giữa các địa phương để đầu tư xây dựng nâng cấp các trường và trung tâm đào tạo nghề chuyên sâu, phục vụ cho nhu cầu lao động của cả vùng; xây dựng qũy đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường lao động chung ; xây dựng chợ việc làm trên mang internet nhằm kết nối giữa nhu cầu giữa nhu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.


Phản hồi

Các tin/bài khác