Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu

(VOV5) - Thảo luận về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi Luật theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức thấp, do đó cần phải tạo điều kiện để nhóm lao động này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.


Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu - ảnh 1

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện với nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu). Ông Nguyễn Văn Tuyết, đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu, đề nghị: Những đối tượng như nữ điều dưỡng viên, y tá, giáo viên mầm non, tiểu học, tham khảo ý kiến người ta chỉ muốn 55 tuổi là nghỉ. Đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, họ chỉ muốn nghỉ ở độ tuổi 45-50. Vấn đề ở đây, theo tôi phải cân nhắc để phù hợp với thực tiễn.


Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Một số đại biểu cho rằng, mặc dù trong luật đã sửa 1 số điều, nhưng chưa giải quyết được nhu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay. Theo các đại biểu, cần phải mở rộng, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, cách thức tuyển sinh và thu hút người học nghề. Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012./.

Phản hồi

Các tin/bài khác