Quốc hội khóa 13 tiến hành họp phiên bế mạc

(VOV5) - Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, ngày 23/11, Quốc hội khóa 13 tiến hành họp phiên bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ có bài phát biểu quan trọng đánh giá tổng quát kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13.

Cũng trong ngày 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và thông qua một số Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

  

Trước đó, ngày  22/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh và Luật Hòa giải cơ sở.

Quốc hội khóa 13 tiến hành họp phiên bế mạc - ảnh 1

 
Dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh quy định cụ thể về phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh toàn dân. Theo đó, các địa phương, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh cần quy định phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chủ hộ gia đình tuyến biên giới, trên đảo, người lao động ở các vùng biên giới, hải đảo, người lao động trong các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp. Các đại biểu Quốc hội đồng tình việc thành lập các Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh theo cấp bộ và cấp tỉnh không nhất thiết phải quản lý ở cấp Chính phủ như hiện nay. Bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, nêu ý kiến:
Về giáo dục quốc phòng an ninh trong nhà trường, tôi thống nhất với dự thảo là đưa nội dung quốc phòng, an ninh vào lồng ghép trong các môn học, góp phần quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của học sinh. Ngoài việc đưa quy định lồng ghép chương trình vào các môn học chính khóa thì cần đưa nội dung giáo dục quốc phòng, an ninh vào các hoạt động ngoại khóa như “Một ngày làm bộ đội”, “Học kỳ quân đội”… để nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết cho học sinh.


Điểm mới của dự thảo Luật Hòa giải cơ sở so với Pháp lệnh hòa giải cơ sở hiện hành là ghi nhận vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Những người làm công tác hòa giải ở cơ sở thường là những người làm ở các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Tổ dân phố. Đối với tiêu chí người làm công tác hòa giải ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, góp ý: Tôi đồng ý việc người làm công tác hòa giải có hiểu biết pháp luật là rất tốt, cần thiết. Vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người am hiểu pháp luật rất ít và không phải cộng đồng nào cũng có thể chọn được người đáp ứng tiêu chuẩn này. Vì vậy, tôi đề nghị Luật quy định tiêu chuẩn hòa giải viên cần có hướng mở để phù hợp với từng vùng, miền, địa phương. Theo đó, hòa giải viên cấp xã cần quy định tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật còn hòa giải viên cấp thôn, cấp tổ dân phố thì tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật cần linh hoạt hơn. Trong quá trình hòa giải nên tạo điều kiện để hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cơ sở.

Cũng trong ngày 22/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, thay vì 4 triệu đồng/tháng như hiện nay; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh này tuy có giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng phù hợp với tình hình thực tiễn và được người dân đồng tình ủng hộ. Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2013./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác