Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

(VOV5) - Ngày 7/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp để đông đảo cử tri cả nước cùng theo dõi.

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước - ảnh 1



Những tháng đầu năm 2012, với việc tiếp tục thực hiện mục tiêu chủ yếu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ khá thành công trong việc kéo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống mức 2,6% so với cuối năm 2011 (thấp nhất trong vòng 3 năm qua), nhập siêu giảm, lãi suất hạ dần, tỷ giá ổn định… Tuy nhiên, tăng trưởng chững lại, tốc độ tăng GDP quý 1 năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2012 khó có thể đạt 6 - 6,5%. Nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển. Thực hiện tốt Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, góp ý:“Đối với thị trường trong nước cần đẩy mạnh chương trình khuyến mại để tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam . Đối với thị trường nước ngoài cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Vấn đề căn cơ, dài hạn là phải tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế một cách chất lượng và sớm triển khai có hiệu quả đề án này.”

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, có 15/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ có hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ vnhững giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,89%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7-7,5%. Ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đề xuất:“Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp cứu doanh nghiệp bằng các hình thức như tiếp tục hoãn, giãn, miễn giảm thuế, kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Để giảm bớt áp lực cho ngân hàng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong lúc này thành lập ngay Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Còn ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nêu ý kiến:“Cần có những giải pháp mạnh để vực nền kinh tế đi lên, trong đó có chú trọng các giải pháp khơi thông sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần chặn đà suy giảm kinh tế. Nếu kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì sẽ sớm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh về phòng chống tham nhũng và lãng phí, kêu gọi đồng bào cả nước trong giai đoạn khó khăn này cần thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho thị trường sản phẩm trong nước. ”

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc phòng, chống dịch bệnh; giải quyết triệt để khiếu kiện kéo dài, nhất là khiếu kiện đất đai nhằm củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác