Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

(VOV5) - Ngày 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp để đông đảo cử tri cùng theo dõi.

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước  - ảnh 1
Ảnh: Internet

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2011 trong điều kiện kinh tế gặp khó khăn, vẫn có 15/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ có hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ vnhững giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong số các chỉ tiêu chưa đạt được có một số chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,89%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7-7,5%. Những tháng đầu năm 2012, với việc tiếp tục thực hiện mục tiêu chủ yếu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã khá thành công trong việc kéo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống mức 2,6% so với cuối năm 2011 (thấp nhất trong vòng 3 năm qua), nhập siêu tiếp tục giảm, lãi suất hạ dần, tỷ giá ổn định… Tuy nhiên, nền kinh tế lại gặp vấn đề về tăng trưởng chững lại, khi tốc độ tăng GDP quý 1 năm 2012 chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2012 khó có thể đạt 6 - 6,5%. Nhiều ý kiến cho rằng gói giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng và lùi thời hạn nộp đối với một số loại phí, thuế và các khoản thu nộp ngân sách của doanh nghiệp là chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị không nên nới lỏng chính sách tiền tệ trong tình hình hiện nay vì lạm pháp có thể tăng trở lại bất kỳ lúc nào và chấm dứt tình trạng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả. Ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đề xuất: “Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp cứu doanh nghiệp bằng các hình thức như tiếp tục hoãn, giãn, miễn giảm thuế, kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Để giảm bớt áp lực cho ngân hàng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong lúc này thành lập ngay Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Còn ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nêu ý kiến: “Cần có những giải pháp mạnh để vực nền kinh tế đi lên, trong đó có chú trọng các giải pháp khơi thông sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần chặn đà suy giảm kinh tế. Nếu kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì sẽ sớm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh về phòng chống tham nhũng và lãng phí, kêu gọi đồng bào cả nước trong giai đoạn khó khăn này cần thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho thị trường sản phẩm trong nước".

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc phòng chống dịch bệnh; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giải quyết triệt để khiếu kiện kéo dài, nhất là khiếu kiện đất đai nhằm củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền./.

Phản hồi

Các tin/bài khác