Tưng bừng các lễ hội đầu xuân

(VOV5) - Ngày 15/2, (tức mùng 6 Tết), khắp các tỉnh thành Việt Nam tưng bừng tổ chức lễ hội đầu xuân. Phía Bắc, đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự khai hội chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội và cùng với nhân dân, du khách tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Chùa Bái Đính có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, đã từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa; vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.

 

Tưng bừng các lễ hội đầu xuân - ảnh 1

 

Trong khuôn khổ Lễ Tịch điền Đọi Sơn và Ngày hội xuống đồng năm 2013,  tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam diễn ra Hội thi vẽ trang trí trâu. Theo sử sách ghi lại, địa điểm diễn ra hội thi là nơi mà hàng ngàn năm trước vua Lê Đại Hành đã chọn để tổ chức Lễ Tịch điền, nhắc nhở thần dân phải chăm lo sản xuất nông nghiệp, cái gốc của sự ấm no hạnh phúc. Hơn 20 con trâu khỏe đẹp đã được tuyển chọn và thuần dưỡng để tham gia hội thi. Những con trâu đạt giải được dùng trong nghi lễ Tịch Điền diễn ra vào ngày 16/2, (mùng 7 Tết). Đến với hội thi, người xem ấn tượng bởi những con trâu hàng ngày quen với việc kéo cày, kéo xe thì hôm nay trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bà Nguyễn Thị Hợi, phường Hai Bà Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, cho biết:Nhiều địa phương có lễ hội giống nhau nhưng tôi thấy chưa ở đâu có lễ hội vẽ trâu, trang trí trâu như thế này. Theo truyền thuyết ngày xưa là vua về đây đi cày cho nên là chỉ ở đây mới có. Bình thường thì là con trâu nhưng sau khi được các họa sĩ thể hiện thì nó rất là đẹp. Năm rồng thì có người vẽ rồng, năm rắn thì có người vẽ rắn. Chủ đề năm nào cũng đều thể hiện được hết. Các họa tiết hoa văn đều mang truyền thống, rất đẹp chứ không như những con trâu bình thường đi cày ngoài ruộng.

 

Tưng bừng các lễ hội đầu xuân - ảnh 2

 

Tại tỉnh Yên Bái diễn ra nhiều lễ hội lớn, thuộc chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ “Chương trình du lịch Về cội nguồn” do ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai tổ chức. Đến Yên Bái những ngày này du khách được đắm chìm trong tiếng sáo, tiếng khèn từ các lễ hội của người Mông, xuống đồng mở Hội lồng tồng cùng cư dân Thái, thưởng thức các màn trâu chọi ở Yên Bình, Lục Yên và tham gia các trò chơi dân gian đặc trưng của cư dân miền Tây Bắc. Ngoài ra còn rất nhiều các hoạt động, các trò chơi mang tính cộng đồng ở khắp các thôn bản trong vùng. Bà Nông Thị Minh, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Văn Yên cho biết: Chúng tôi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, như là đu tiên, ném còn, thi đấu vật, kéo co… và tổ chức thi đấu bóng chuyền. Các hoạt động này thu hút được nhiều bà con quanh vùng và du khách.

 

Tưng bừng các lễ hội đầu xuân - ảnh 3
Ảnh: cinet.org.vn

 

Còn tại làng Thủ Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế tưng bừng khai hội vật truyền thống, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem. Hội vật Thủ Lễ được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán hàng năm không chỉ  nhằm  giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống của dân tộc, mà còn là một sân chơi hấp dẫn trong dịp đầu xuân mới. Ông Ngô Thời Phong, người làng Thủ Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Thường năm vào ngày mồng 6 tháng giêng dân làng tổ chức tế xuân cầu an cho dân làng được sức khỏe. Sau lễ cầu an xong là hội vật truyền thống làng Thủ Lễ, trước là để cầu quốc thái dân an, sau là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và rèn luyện thân thể cho dân làng. Đặc biệt nhiều năm nay huyện và tỉnh đã tổ chức nới rộng phạm vi cho các đô vật về tham dự.

 

Tưng bừng các lễ hội đầu xuân - ảnh 4

 

Không khí lễ hội ở các tỉnh Tây Nguyên cũng nhộn nhịp tưng bừng. Sáng nay  trên sông Đắc Bla đoạn chảy qua thành phố Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Giải đua thuyền độc mộc truyền thống tỉnh Kon Tum năm 2013. Toàn bộ thuyền đua được đục từ những thân cây nguyên khối, vốn là phương tiện di chuyển truyền thống trên sông nước của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Hàng nghìn người dân địa phương cùng rất đông du khách trong và ngoài nước đến xem, cổ vũ cho sự kiện thể thao này./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác