Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận 3 dự án Luật

(VOV5) - Sáng 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 7, cho ý kiến về dự án Luật dự trữ quốc gia.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận 3 dự án Luật  - ảnh 1


Đa số các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo nên xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ Quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, không hợp lý, theo đó, nguồn lực dự trữ Quốc gia chỉ được sử dụng trong những trường hợp cấp bách.


Về dự trữ quốc gia bằng tiền, đa số các ý kiến đề nghị nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Xung quanh vấn đề xã hội hóa trong dự trữ quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng trong điều kiện hiện nay, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia, cần phải xã hội hóa nguồn lực dự trữ quốc gia, tạo cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách Nhà nước tham gia.


Kết luận nội dung thảo luận dự án Luật Dự trữ Quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung ý kiến của các đại biểu, làm rõ thêm một số nội dung để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.


Chiều 11/04, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo dự thảo Luật Giá, danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: hàng dự trữ quốc gia; Nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà công vụ; điện; nước sạch; sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước; dịch vụ kết nối viễn thông; xăng, dầu thành phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh và giáo dục đào tạo tại các cơ sở của Nhà nước; đất đai, rừng…


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị không đưa mặt hàng xăng, dầu vào danh mục được Nhà nước định giá. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Nước, xăng dầu, điện bây giờ chưa phải thị trường do đó các Ban soạn thảo cần xây dựng cơ chế nào đó để Luật này thích hợp. Tuỳ theo mặt hàng mà có cơ chế khác nhau, giá bán khác, giá đấu thầu khác. Cách thức để giải quyết giá của từng nhóm mặt hàng khác nhau thì giải quyết khác nhau. Vấn đề nữa là chủ trương mới, Nghị quyết của Chính phủ, quốc hội, bước đi làm sao, phải chú ý WTO. Hay như xăng dầu và điện có thể hoàn toàn để ở danh mục bình ổn giá.”


Đa số ý kiến cho rằng danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá cần được xây dựng trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá cả trong đời sống và sản xuất. Nhiều đại biểu đề nghị loại bỏ các mặt hàng như sắt, thép, xi măng... ra khỏi danh mục hàng bình ổn giá để phù hợp với thị trường trong tình hình mới.


Trong buổi làm việc chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)./.

Phản hồi

Các tin/bài khác