Việt Nam đóng góp quan trọng vào Hội nghị Cấp cao ASEAN 23

(VOV5) - Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Hà Nội, kết thúc tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 23 và các hội nghị liên quan, ngày 10/10, trả lời phóng viên báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị.

Việt Nam đóng góp quan trọng vào Hội nghị Cấp cao ASEAN 23  - ảnh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, kết quả nổi bật và quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN 23 và các hội nghị liên quan là ASEAN tiếp tục giữ vững đoàn kết, thống nhất nội khối. Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015, quyết định sẽ xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, với trọng tâm đưa Cộng đồng ASEAN lên tầm mới. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 dựa trên 3 trụ cột Cộng đồng và hướng tới một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội và hướng tới người dân, củng cố thể chế và hiệu quả hoạt động các cơ quan của ASEAN.


Về những đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam đã rất chủ động, tích cực với những đóng góp xây dựng và trách nhiệm vào các công việc chung của ASEAN. Việt Nam cùng các nước ASEAN, đề xuất xây dựng và thông qua nhiều chương trình hành động và định hướng xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN, trong đó có xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015. Đoàn Việt Nam đã đề cao việc xây dựng lòng tin chiến lược, tuân thủ luật pháp quốc tế, trách nhiệm thi hành các cam kết đã thỏa thuận và kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của khu vực, vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.


Việt Nam cùng các nước ASEAN nhất quán ủng hộ các nguyên tắc đã đề ra của ASEAN, giữ vững đoàn kết để ASEAN đồng thuận phát huy tiếng nói chung và chủ đạo về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); thực hiện đầy đủ DOC đi đôi với thúc đẩy sớm đạt được COC.


Nhân dịp dự hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều tiếp xúc với lãnh đạo các nước nhằm trao đổi về tăng cường hợp tác song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác