Châu bản triều Nguyễn, bức tranh tổng thể về một thời đại

(VOV5)- Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam vừa chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.

Châu bản triều Nguyễn là khối tư liệu gốc gồm các văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động quản lý, điều hành mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, đối nội, đối ngoại của chính quyền nhà Nguyễn.

Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu toàn bộ các hoạt động của triều đình và đời sống xã hội VN thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Châu bản triều Nguyễn, bức tranh tổng thể về một thời đại - ảnh 1
Kho đựng châu bản

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của 11/13 vị vua triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1945. Đó là các tập tấu, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn xem hoặc phê duyệt bằng mực màu son để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội... Với gần 800 tập châu bản còn lưu giữ được tương đương khoảng 85.000 văn bản bằng 200.000 tờ, châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu đồ sộ để tìm hiểu và nghiên cứu toàn bộ những đường lối, quan điểm, chính sách, bộ máy hành chính và phục vụ sự phát triển mọi mặt của đất nước thời nhà Nguyễn. Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, cho biết: Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản với số lượng được giữ lại tương đối nhiều. châu bản với số lượng và thời gian như vậy, toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của triều Nguyễn. Thông qua châu bản, tất cả các chuyên đề mà các nhà nghiên cứu lịch sử có thể tiếp cận đầy đủ văn bản ở trung tâm cho tất cả các lĩnh vực. Châu bản được công nhận là di sản thế giới thì giá trị của châu bản nghiên cứu không chỉ ở phạm vi VN mà còn có ý nghĩa quốc tế và khu vực, không những đóng góp cho nghiên cứu lịch sử của Việt Nam mà còn cả khu vực và lịch sử của thế giới.

Châu bản triều Nguyễn có giá trị đặc trưng của văn bản quản lý hành chính nhà nước chuẩn mực hàng đầu thời quân chủ Việt Nam. Về cơ quan quản lý và thể thức truyền đạt, châu bản hết sức chặt chẽ, cẩn mật, mang tính tối thượng của triều đình.  Còn về y tế, dưới thời phong kiến ở Việt Nam, hoạt động này ít được ghi chép, ngay hoạt động của Thái y viện là cơ quan chuyên về sức khỏe trong triều đình cũng chỉ được ghi nhận lác đác trong các bộ chính sử. Tuy nhiên châu bản là nguồn tư liệu chân thực và chi tiết về tình hình bệnh tật của nhân dân. Theo châu bản, thời nhà Nguyễn được ghi nhận là thời kỳ nhiều dịch bệnh phát sinh. Châu bản triều Minh Mệnh thứ 21 năm 1840 cho biết dịch bệnh ở Thanh Hóa từ tháng Giêng tới tháng 6 nhân dân các huyện Đông Sơn, Hậu Lộc, Nga Sơn, Mỹ Hóa bị nhiễm dịch khí chết 1087 người…Châu bản triều Minh Mệnh thứ 21 ngày 19/6 báo cáo tình hình dịch bệnh ở huyện Thừa Thiên trong 1 nhà có 4 đến 5 người thì có nhà chết cả nhà, có nhà chết 2 đến 3 người. Dưới góc độ kinh tế châu bản cũng ghi lại chi tiết sự phát triển giao thương giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo.

Bà Nguyễn Thu Hoài, trưởng phòng sưu tầm, chỉnh lý tài liệu Hán nôm, Trung tâm lưu trũ Quốc gia I, cho biết châu bản đề cập vấn đề này rất cụ thể và rõ ràng: Nông nghiệp được phản ánh khá nhiều vì Việt Nam là nước nông nghiệp cho nên mối quan tâm của các hoàng đế triều Nguyễn đối với nông nghiệp đặc biệt quan trọng. các địa phương hàng tháng có báo cáo gửi lên triều đình báo cáo về tình hình thời tiết và giá gạo. Bởi vì thời nguyễn tình hình lụt lội đê điều cũng gặp nhiều khó khăn nên đôi khi các địa phương gặp phải lũ lụt, mất mùa, dân thiếu dối điều đó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vì thế triều đình yêu cầu địa phương phải có những báo cáo hàng tháng để triều đình biết để có thể hỗ trợ cứu đói cho dân, trong tình hình mất mùa thì cung cấp giống lúa để dân gieo cấy kịp mùa hoặc miễn thuế…

Châu bản triều Nguyễn, bức tranh tổng thể về một thời đại - ảnh 2

Trong Châu bản triều Nguyễn, có nhiều tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Các tờ Châu bản có nội dung khẳng định nhà Nguyễn đã quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có hệ thống quản lý hành chính nhà nước ở đây, đồng thời nhiều tài liệu về việc phái các đội đi Hoàng Sa, Trường Sa khảo sát và lập các bản đồ, lập các tài liệu… Có những văn bản trực tiếp nhưng cũng có văn bản gián tiếp như nhà vua cử các đội ra quần đảo Hoàng Sa để thăm dò, hoặc bút phê việc khen thưởng những người có công với Hoàng Sa, Trường Sa… Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, cho biết: Nội dung của châu bản triều Nguyễn phong phú, đa dạng. Trong khối châu bản có một số lượng văn bản phản ánh thực thi chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản không chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử văn hóa, xã hội mà còn là công cụ để chúng ta đấu tranh chính trị, đặc biệt là về chủ quyền, về biển đảo.


Nhà Nguyễn là một vương triều đạt được những thành tựu rực rỡ về sử học, khi đã biên soạn, khắc in các bộ sử chính thức của vương triều mình trong đó châu bản là nguồn sử liệu căn bản và là chất liệu chủ yếu làm nên giá trị to lớn của các bộ sử đó. Với tính xác thực, độc đáo, duy nhất, giá trị nội dung và tầm ảnh hưởng đối với khu vực cũng như quốc tế châu bản triều Nguyễn đã được các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao và trở thành 16 di sản mới được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương năm 2014./.

Phản hồi

Các tin/bài khác