Đặc sắc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019”

(VOV5) - Nhiều nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc và độc đáo được tái hiện, qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

“Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” diễn ra từ ngày 18-23/11 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây, nhiều nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc và độc đáo được tái hiện, qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

“Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” có sự tham dự của khoảng 200 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào dân tộc thuộc các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Ninh Thuận…Trong khuôn khổ chương trình, đồng bào các dân tộc tái hiện những nét sinh hoạt cộng đồng như nghi lễ lẩu then của dân tộc Tày (Lạng Sơn), lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo (Hà Giang)…Trong đó, Lễ cúng “Thần rừng” của đồng bào dân tộc Pu Péo là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống của đồng bào đã tồn tại từ lâu đời. Tục thờ Thần rừng để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn tốt, phát đạt, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ rừng. Lễ cúng “Thần rừng” không chỉ có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Lễ cúng “Thần rừng” của đồng bào Pu Péo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cuối năm 2012.

Đặc sắc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” - ảnh 1 Tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019”.Ảnh: daidoanket.vn

“Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” còn diễn ra hoạt động giới thiệu văn hóa, du lịch tỉnh Gia Lai với các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống, trình diễn nhạc cụ truyền thống như đàn Ting Ning, cồng chiêng Tây Nguyên…của dân tộc Ba Na, xã Tơ Tung, huyện K’Bang. Bên cạnh đó, tại không gian của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc như đàn Tính hát Then của các dân tộc Tày, Nùng, múa chuông của dân tộc Dao, múa khèn của dân tộc Mông…cũng được tái hiện. Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tập trung tái hiện và giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế các hoạt động trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” tại không gian của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để du khách có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm, thưởng thức những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống và tổ chức các hoạt động thường xuyên tại Làng. Qua đó, hiểu hơn về văn hóa của các dân tộc và lưu giữ, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đó.

Đặc sắc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” - ảnh 2 Trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” còn diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa, du lịch như triển lãm ảnh, hiện vật, trình diễn nhạc cụ dân tộc.Ảnh: daidoanket.vn

Đồng bào các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm: Mông, Khơ Mú, Thái. Tày, Mường, Dao, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ba Na, Raglai, Ê Đê, Khmer tái hiện các sinh hoạt cộng đồng, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán…ở không gian ngôi làng của dân tộc mình tại Làng. Bà Y Sinh, người dân tộc Xơ Đăng, chia sẻ: “Tôi giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Xơ Đăng, các loại nhạc cụ như đàn Tơ rung, đàn K'lông pút, những dân ca dân vũ của dân tộc Xơ Đăng. Tôi tham gia một số tiết mục trình diễn trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019”. Muốn bảo tồn được các nét văn hóa của dân tộc thì mình phải truyền bá cho các thế hệ sau.”

Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động "Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre" nhằm quảng bá giới thiệu với đại biểu, du khách trong nước và quốc tế bức tranh sinh động về miền đất và con người Bến Tre thông qua các hoạt động diễn xướng dân gian, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát sắc bùa Phú Lễ; giới thiệu ẩm thực, nghề truyền thống từ dừa; trưng bày chế tác nhạc cụ, trình diễn các sản phẩm từ dừa.

“Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam 2019” góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc thông qua các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ các di sản văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống dân gian.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác