(VOV5) - Áo dài nam giới được cha ông ta mặc và đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt.
Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam thướt tha trong tà áo dài truyền thống, mà ít ai nhớ rằng bộ “áo dài, khăn đóng” cũng từng là trang phục truyền thống, đặc trưng của đàn ông Việt. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, áo dài nam giới dường như đã có lúc bị mai một.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đàn ông miền Bắc mặc áo dài năm thân đầu Thế kỷ XX (Ảnh tư liệu) |
Ngay từ Thời vua Lý Thái Tông, nhà vua đã bắt đầu có ý định muốn thể hiện đất nước tự cường thông qua vấn đề trang phục. Đến thời chúa Nguyễn, vấn đề này càng được chú trọng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong. Kể từ năm 1802 thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài nam hoàn chỉnh. Không được may mắn như áo dài của nữ giới, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới có lúc lại dường như bị quên lãng.
Một đôi vợ chồng quý tộc thời Nguyễn trong trang phục áo dài (Ảnh tư liệu) |
Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ: “Sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Sau đó chúng ta đối mặt những cuộc chiến chinh trường kỳ, đó là lý do áo dài nam bị mai một. Phong trào Tây hóa, thay đổi khiến người ta có cái nhìn mới hơn cũng là lý do áo dài nam bị ảnh hưởng. Đât nước lại tiếp ục chiến tranh và tà áo dài không có cơ hội được tiếp tục nối liền. Một điểm rất tội nghiệp cho tà áo dài nam là hình ảnh áo dài này gắn liền với hình ảnh cụ lý trưởng, cường hào ác bá làm người ta có cái nhìn sai lệch về tà áo dài nam giới”.
Nguồn: FB CLB Áo dài nam truyền thống |
Áo dài nam truyền thống nguyên vẹn ban đầu có 5 thân và 5 cúc nên thường được gọi là áo dài ngũ thân. Đặc biệt nói đến 5 thân phải nói đến chắp tà bào gồm 2 tà trước, 2 tà sau, và 1 tà ở giữa. Tà áo phải rộng và tay phải nhỏ búp. Đến sau này, tà áo dài được cải biên rất nhiều trên sân khấu. Đến khi mở cửa hội nhập, các nhà thiết kế đã cách tân khiến áo dài không có hình ảnh 5 thân nguyên gốc. Theo Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, cách tân tức là làm mới những truyền thống đã có nhưng chiếc áo dài đấy không cách tân mà là sự sáng tạo hoàn toàn mới. Chẳng hạn như may thành áo ráp- lăng, độn vai, tà hẹp, may thân thẳng, khiến cho tà áo dài mang nét “hao hao” với áo dài nam của Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Tại sao là áo ngũ thân. Nó có một thân trong mà hiện giờ hầu hết các nhà thiết kế đã bỏ yếu tố đó đi. Thân thứ 5 giúp cho công năng sử dụng được kín hơn, cài cúc được kín hơn. Đặc biệt khi ngồi, đối với người đàn ông Việt khi xưa, đó là sự nho nhã, lịch sự. Tà áo dài rộng che được mình rất nhiều. Đó là đặc điểm cốt lõi mà bây giờ áo dài cách tân không có được”
Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã vô cùng tối giản. Nó mang tính giáo dục rất cao, khi ta mặc bộ trang phục lên người, nó buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Bộ trang phục của người đàn ông Việt cũng luôn có một chiếc khăn quấn chứ không phải một chiếc khăn đóng sẵn. Bởi chính thao tác quấn khăn thể hiện sự chỉn chu của đàn ông Việt.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân chia sẻ: “Ở góc độ mỹ thuật, áo dài nam làm cho người ta cảm thấy sự sang trọng, đứng đắn, đĩnh đạc, đàng hoàng. Và đương nhiên nó có những tiêu chí của nó, về màu sắc, dáng dấp, tỉ lệ hài hòa. Về màu sắc, tôi thích màu đen thể hiện sự nam tính, đặc trưng phong thái truyền thống người Việt. Nó còn thể hiện sự khiêm nhường. Ngoài áo sa đen bên trong còn có áo màu vàng hoặc màu kem, không làm quá nổi bật mà tạo sự nhã nhặn trang nghiêm. Và đương nhiên tôn cả da của người mặc”.
Nguồn: FB CLB Áo dài nam truyền thống |
Trong vài năm trở lại đây, kể từ khi CLB áo dài nam của nhóm Đình làng Việt được thành lập, nhóm đã quy tụ được nhiều thành viên yêu thích và thể nghiệm áo dài. Thành viên trong nhóm phần lớn là những nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ – những người góp phần tích cực quảng bá hình ảnh áo dài và vận động mọi người mặc áo dài trong dịp lễ Tết. Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam thuộc NXB Thế giới, cũng là một thành viên của nhóm đình làng Việt bày tỏ: “Nhóm đình làng Việt chúng tôi không chủ trương kêu gọi nam giới thay đổi bộ y phục hiện tại bằng áo dài. Mà chúng tôi kêu gọi nam giới hãy mặc áo dài nam giới trong những dịp trọng đại và đặc biệt. Tết nếu chúng ta ra hồ Hoàn Kiếm thấy chị em mặc áo dài rất đẹp. Vậy thì nam giới cũng mặc áo dài càng đẹp hơn. Hãy quay trở lại nhận diện áo dài nam và coi nó như là một thứ quốc hồn quốc túy. Giữa truyền thống và hiện đại có một gạch nối, gạch nối ấy là điều rất tế nhị, chúng ta cần kế thừa truyền thống và chuyển biến thành hiện đại”.
Trải qua một chiều dài lịch sử, áo dài nam giới được cha ông ta mặc và đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt. Thực tế cho thấy, tà áo dài của cả nam và nữ đã trải qua nhiều lần biến đổi tương đối ổn định và hoàn chỉnh, phần nào đó đã dần được xuất hiện nhiều hơn trong những dịp lễ, Tết của người Việt. Sự cải biên có thể hợp lý, nhưng vẫn cần phải gắn liền với nét đẹp tinh túy nhất của tà áo dài truyền thống cha ông đã để lại./.