Hà Nội, nguồn cảm hứng sáng tạo của những người cầm bút

(VOV5) - Từ xưa đến nay, khó có thể đong đếm được đã có bao nhiêu tác phẩm văn học viết về Hà Nội. Chỉ trong một Hội sách Hà Nội năm 2014, tổ chức hồi đầu tháng 10, con số này lên đến hàng trăm cuốn, cho thấy tình yêu Hà Nội của biết bao nhà thơ, nhà văn. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Hà Nội là địa phương giàu di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Hà Nội là cả một kho tàng cổ tích, thần thoại, huyền thoại và giai thoại, in đậm trong ký ức dân tộc và mỗi người. Hà Nội hội tụ và lan tỏa, là nguồn cảm hứng bất tận của người cầm bút. Với nhà thơ Vũ Quần Phương, Hà Nội luôn đem lại những rung cảm mạnh mẽ để ông viết nên những vần thơ sâu nghĩa nặng tình. Qua những dòng thơ giàu cảm xúc của bài thơ “ Tâm sự của căn nhà”, in trong tập: “Hà Nội, thơ trữ tình 10 thế kỷ”, Vũ Quần Phương đã chạm đến tâm hồn của những người Hà Nội. Ông cho biết: Tôi lấy cảm hứng từ căn nhà cuối cùng của thành phố, ở nơi tiếp giáp với cánh đồng, để tiễn người thành phố đi sơ tán và đón các phương tiện phục vụ cho cuộc chiến đấu đang diễn ra trong phố, nhân cách hóa ngôi nhà thành nhân vật chính của bài thơ. Căn nhà tiếp giáp giữa phố phường đông đúc với sự im lặng của nông thôn. Bài thơ mang tính thời sự lúc đó. Còn bây giờ, bài thơ như một kỷ niệm về Hà Nội. Hà Nội là bối cảnh của thơ tôi. Trong thơ tôi, chuyện gì cũng liên quan tới Hà Nội.

Hà Nội, nguồn cảm hứng sáng tạo của những người cầm bút - ảnh 1
Nhà văn Đỗ Phấn ký tặng sách cho độc giả (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)


Hà Nội cũng mang lại những cảm xúc độc đáo cho học sĩ, nhà văn Đỗ Phấn. Đỗ Phấn cho rằng cả đời ông chỉ viết một cuốn sách, đó là cuốn sách về Hà Nội. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nói về các tác phẩm của Đỗ Phấn: Viết cái gì thì ông cũng quanh quẩn về chuyện Hà Nội. Mà không chỉ một Hà Nội mở rộng đâu. Chuyện mở rộng là chuyện của hành chính. Đỗ Phấn viết về một Hà Nội xưa, một Hà Nội của thời bao cấp mà tuổi thơ Đỗ Phấn đã trải qua. Nếu ai đã đọc “Dằng dặc triền sông mưa” thì thấy rất rõ. Nhất là thế hệ sinh năm 1950-1960, người ta được chia sẻ ký ức của Đỗ Phấn về Hà Nội vì ông viết bằng ký ức hình ảnh chứ không ghi chép lại tư liệu. Có lẽ vì thế mà nó tạo ra những hiệu ứng rất mạnh.

Đỗ Phấn có tới 13 đầu sách gồm cả tiểu thuyết và tản văn như: “Dằng dặc triền sông mưa”, “Hà Nội thì không có tuyết”, “Rừng người”, “Ông ngoại hay cười”, “Gần như là sống”, “Chảy qua bóng tối”... về chủ đề Hà Nội. Ông viết về Hà Nội khéo léo và tài tình đến mức trong mỗi câu chuyện không có một chữ nào nói tới Hà Nội nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ từng hơi thở của thành phố nghìn năm lịch sử này. Nhà văn Đỗ Phấn bộc bạch: Tôi chưa viết một cái gì không Hà Nội cả. Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này và cũng sống ngót 60 năm ở đây rồi. Những cái tôi quan sát, tôi đi qua in dấu rất đậm và bất kể lúc nào cũng lấy ra viết được. Cảm nhận của tôi là sự thay đổi. Nhà cửa đường xá được xây dựng hiện đại, thuận lợi là rất tốt. Chính cái thay đổi đó tôi muốn hướng đến sự thay đổi bền vững, giữ lại được phẩm chất văn hóa của mảnh đất kinh kỳ 1000 năm tuổi những vẫn phải hòa đồng được với thế giới, có nghĩa phải hiện đại, có đầy đủ tất cả mọi cái mà Thủ đô của một nước văn minh phải có.

Hà Nội, nguồn cảm hứng sáng tạo của những người cầm bút - ảnh 2
Nhà văn Lê Minh Hà ký tặng cho bạn bè, độc giả trước giờ giao lưu.


Hà Nội còn luôn là một miền ký ức đối với những người xa quê hương. Cây bút Lê Minh Hà, Việt kiều ở Đức, cũng đã có những trang viết gợi nhớ về một Hà Nội còn mãi trong tâm khảm người đi xa. 24 truyện ngắn trong tập “Những gặp gỡ không ngờ” của chị, có thể xem là bức tranh hoàn chỉnh và sinh động về một Hà Nội đang phát triển. Bà Lê Minh Hà kể: Tôi đi rất nhiều, viết rất nhiều nhưng cái tôi muốn nói, muốn viết vẫn là về Hà Nội. Cái tôi muốn nhắc là một Hà Nội không hoàn toàn giống hôm nay. Nó không ồn ào, không chật như thế. Đi trên phố hôm nay tôi rất tiếc một thời mà từng góc phố người ta có thể cảm được mùi hương của vườn trong phố. Nhưng mơ ước đó không thực nữa vì đời sống chảy trôi. Nhưng tôi tin là nó sẽ được định hình tiếp tục để đến một lúc nó lại trở lại là một Hà Nội tuy không thể giống hoàn toàn như ngày cũ nhưng sẽ là một Hà Nội mà thế hệ của các bạn sẽ phải nhớ mãi giống như chúng tôi đã nhớ về một Hà Nội ở thời của mình.

Đã có bao nhiêu tác phẩm, không kể những bài thơ, tản văn, tạp văn, truyện, tiểu thuyết của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Đỗ Phấn, Lê Minh Hà cũng như của một thế hệ nhà văn thời mở cửa hôm nay, lấy cảm hứng từ mảnh đất Hà Nội. Những tác phẩm đó làm rung động lòng người, làm bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu một Hà Nội  hôm qua và hôm nay, văn minh và xưa cũ gắn kết với nhau, trôi chảy không ngừng trong cuộc sống hằng ngày./.

Phản hồi

Các tin/bài khác