Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ nối ba thế kỷ

(VOV5) - Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp – Việt. 

“Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX – XX – XXI” là nội dung cuộc tọa đàm sẽ diễn ra ngày 11/7/2020 tại Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace.

Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ nối ba thế kỷ - ảnh 1

Bìa sách Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX

Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp xuất bản cuốn sách Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) – một nhân chứng đã có được một vị trí có một không hai: ở bên trong và quan sát từ bên ngoài một vùng không gian văn hóa.

Từ bao lơn Biển Đông, khát vọng canh tân xứ sở đã kết mối duyên nợ Việt – Pháp với bao thăng trầm. Khơi nguồn lịch sử và văn hóa Việt – Pháp, từ những góc nhìn, mảnh ký ức rời rạc như Souvenir de Huế của M. Đức Chaigneau, những mong góp thêm chút bút mực để phác họa rõ nét hơn bức chân dung lịch sử và văn hóa Đại Nam, để thêm yêu Tổ quốc Việt Nam hôm nay. (đại diện của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế)

Sự tiếp xúc, giao thoa giữa các nền văn hoá luôn luôn diễn ra trong quá trình phát triển của nhân loại. Đó là một nhu cầu tất yếu, một quy luật của phát triển. Trong quá trình giao thoa văn hóa, có thể xảy ra hiện tượng các yếu tố của nền văn hoá này thâm nhập vào nền văn hoá kia hoặc nền văn hóa này vay mượn các yếu tố của nền văn hoá kia rồi cải biến điều chỉnh cho phù hợp dẫn đến sự tiếp biến văn hóa. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có ba lớp văn hoá chồng lên nhau: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hoá giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ gốc văn hoá bản địa vững chắc nên đã không bị ảnh hưởng văn hoá ngoại lai đồng hoá, trái lại còn biết sử dụng và Việt hoá các ảnh hưởng đó làm giàu cho nền văn hoá dân tộc.

Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX – dịch giả Lê Đức Quang - ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp – Việt. Tác giả là con của một vị quan người Pháp và một phụ nữ Huế, chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong hơn hai mươi năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn, suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và 5 năm đầu của thời gian trị vì thời vua Minh Mạng.

Lần giở mỗi trang Hồi ức, độc giả như được đắm  mình vào không gian cung điện đền đài của Kinh thành Huế vào đầu thế kỷ 19? Hay lại sẽ lạc bước vào « mê cung hồi tưởng » của « kẻ xa lạ » nơi quê mẹ (l’étranger) vừa như đang tha phương lưu đày nơi quê cha (l’exilé)?… (dịch giả Lê Đức Quang)

Thông qua hồi ức này, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường, tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy đã vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp – Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù. Từ đó cho ta thêm hình dung, thêm lý giải về những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp – Việt đầy duyên nợ.

Trong chương trình Tọa đàm, Ban tổ chức cũng đấu giá 03 ấn bản Trúc chỉ Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được dùng để ủng hộ cho quỹ Văn hóa Huế. 

Người xưa không còn, may mắn cho người đọc, và người dịch, là cảnh cũ vẫn còn: Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó, những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc dân gian vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn có thể « tham khảo » và nỗ lực dõi theo con mắt người xưa để nắm hiểu phần nào đó những dòng mô tả thật tỉ mỉ chính xác của Hồi ức: những ngôi nhà ở phố Bao Vinh chẳng hạn, với hai cửa hàng ở mặt tiền, với một lối đi xuyên suốt hết chiều dài của ngôi nhà (t.194). Nhưng cảnh phố thị nhộn nhịp người Việt người Hoa nay đã khác. (dịch giả Lê Đức Quang)

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác