(VOV5) - Trên địa bàn xã Hùng Lô còn giữ được 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ 100 năm tuổi trở lên.
Sáng 8/4, tại xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ đón nhận Lễ hội truyền thống “Lễ hội Đình Hùng Lô” là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và công bố quyết định của tỉnh Phú Thọ công nhận điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô.
Trải qua nhiều thế kỷ, trước bao biến động của chiến tranh những di sản, những tập tục, nếp làng từ xưa đến nay vẫn luôn được người dân Hùng Lô gìn giữ, lưu truyền từ đời nàỵ sang đời khác. Theo nghi thức truyền thống, lễ hội đình Hùng Lô gồm nhiều nghi lễ chính, trong đó lễ rước thần là một trong những nghi lễ long trọng nhất, có quy mô lớn nhất với hàng trăm người tham gia rước kiệu. Lễ hội đình Hùng Lô trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hùng Lô và du khách thập phương.
Lễ hội đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ) được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Việc công nhận Lễ hội truyền thống “Lễ hội Đình Hùng Lô” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và điểm du lịch văn hóa cộng đồng là điều kiện để người dân Hùng Lô phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Ích, Chủ tịch xã Hồng Lô cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Đồng thời chúng tôi cũng có kế hoạch tu sửa, mở rộng các tuyến đường tạo thuận lợi cho việc đi vào các điểm du lịch cộng đồng. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình có nhà cổ thường xuyên tu bổ, tôn tạo để phục vụ khách tham quan du lịch mỗi khi về với Hùng Lô.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hùng Lô còn giữ được 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ 100 năm tuổi trở lên, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo mang đậm kiến trúc của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt chợ quê, hoạt động làng nghề... Đây là những điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trải nghiệm.