Người trẻ viết tiểu thuyết dã sử về mối tình Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh

(VOV5) - Tiểu thuyết Nguyệt thư ảnh kiếm của tác giả trẻ Bình Chi căn cứ từ những tư liệu lịch sử có thật, phóng tác thành một câu chuyện dã sử hấp dẫn, lãng mạn.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Trong chính sử Việt Nam, câu chuyện về Trần Cảnh – Lý Chiêu Hoàng là một trường hợp vô tiền khoáng hậu. Đó là cuộc chuyển giao vương quyền êm thuận nhất, ko tốn một giọt máu, giữa hai triều đại lớn của nước Việt, từ triều Lý với hơn 200 năm cai trị chuyển sang triều Trần kiêu dũng hùng cường. Câu chuyện này được khai thác nhiều trong văn học, văn học sử và với mỗi thể loại đều có sức hấp dẫn riêng. Tiểu thuyết Nguyệt thư ảnh kiếm của tác giả trẻ Bình Chi (NXB Phụ nữ ấn hành) vừa ra mắt, đã căn cứ từ những tư liệu lịch sử có thật, phóng tác thành một câu chuyện dã sử hấp dẫn, lãng mạn.

Người trẻ viết tiểu thuyết dã sử về mối tình Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh - ảnh 1

Tác giả trẻ Bình Chi với kiến văn tốt và yêu sử Việt, đã tiếp cận lịch sử theo cách thức dễ được số đông độc giả tiếp nhận.

Khi đọc truyện, ngoài việc bị cuốn hút bởi tình tiết truyện, độc giả sẽ như được tiếp cận với các nhân vật lịch sử rất đỗi đời thường, tưởng như người bằng xương bằng thịt, gần gũi và từ đó, giúp sử dễ hiểu dễ cảm hơn. Sự thật chính sử được giữ nguyên, các nhân vật lịch sử như Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Liễu, Trần Thị Dung, Ngột Lương Hợp Đài, Lê Phụ Trần... được khắc họa sáng tạo và thuyết phục ở góc nhìn trẻ trung lãng mạn. Tác giả lý giải lịch sử bằng sự đề cao sức mạnh tình cảm gia đình, tình huyết thống thiêng liêng. Thiên mệnh và nhân tình huyết mạch, những yếu tố đó tạo nên lòng tự tôn và sức mạnh hùng cường cho dân tộc, để cùng nhau đoàn kết chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, đồng thời xây dựng một đất nước phồn thịnh thời Lý – Trần.

Người trẻ viết tiểu thuyết dã sử về mối tình Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh - ảnh 2Lý Chiêu Hoàng qua nét vẽ của tác giả Bình Chi

Tiểu thuyết Nguyệt thư ảnh kiếm lấy bối cảnh câu chuyện thời kỳ chuyển giao hai vương triều Lý - Trần đầy phức tạp này. Do không có con trai nối dõi, vua Lý Huệ Tông đã quyết định lập con gái thứ là Lý Phật Kim làm thái tử, sau đó lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, trở thành vị nữ vương độc nhất của triều Lý. Lúc đó, với thế lực đang mạnh, tham vọng khôn cùng, thấy vua nữ còn nhỏ, nhà Lý suy yếu, Trần Thủ Độ mưu soán ngôi, bèn bố trí cháu mình là Trần Cảnh gần gũi hầu hạ tiểu nữ vương, từ đó ép nữ vương truyền ngôi cho nhà Trần, Trần Cảnh thành vua Trần Thái Tông. Đôi trẻ yêu nhau trong bối cảnh éo le, lúc tan lúc hợp, do chính trị luôn đứng giữa...

Sau rất nhiều hiểu lầm, mất mát tổn thương, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đứng trước mối họa xâm lăng từ quân Mông Nguyên, đã quyết gạt tình thù, đặt quốc gia lên trên hết. Nguyệt thư ảnh kiếm pháp vốn là uyên ương kiếm gia truyền của tộc Trần, đã trở thành vũ khí tiên phong cùng hào khí Đông A đánh tan quân giặc, hóa giải thù riêng giữa hai dòng tộc hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Bình Chi có thời gian dài học tập tại Nhật Bản và Anh quốc. Qua việc tiếp cận chữ Hán, học thư pháp, vẽ tranh thủy mặc, tác giả nhìn thấy được tình yêu của người Nhật và người Hoa với văn hóa của họ, nhờ đó mà lại càng khao khát muốn tìm về gốc rễ của mình, mong phần nào cắt nghĩa con người và văn hóa Việt Nam tự cổ chí kim. Vẽ lại những con người Việt, bằng chất liệu hội họa và văn học, trở thành đề tài mà tác giả theo đuổi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác