(VOV5) - Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - thi sỹ cuối cùng của phong trào Thơ Mới - qua đời sáng 22/11, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô vì tuổi cao, sức yếu, thọ 100 tuổi.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Từ nhỏ, ông theo học ở trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội. Ở tuổi 15, ông ra mắt trường ca Lạc loài, được nhà phê bình Lê Tràng Kiều - chủ bút Hà Nội báo giới thiệu, cho đăng liên tiếp 13 số báo.
Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sĩ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) thành lập nhóm Xuân Thu Nhã tập. Với đông đảo đồng nghiệp, ông là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại.
Ảnh tư liệu: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh bên vợ - nhà văn Cẩm Thạnh - năm 1961.
Ảnh VOV |
Gần 80 năm cầm bút, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh để lại gia tài thơ ca đồ sộ. Xuân Thu nhã tập là cuốn sách xuất bản đầu tiên của của nhóm năm 1942. Ngoài tác phẩm văn xuôi Anh hùng Trần Đại Nghĩa (1953), ông là tác giả của nhiều tập thơ: Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1958), Nghe bước xuân về (1961), Quê biển (1966), Đảo dưa đỏ (1974), Đất nước và Lời ca (1978), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1991), Một vườn thơ năm châu (1997)... Ông là dịch giả thơ cho nhiều nhà thơ các nước: Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary, Đức...
Năm 1951, ông nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Anh hùng Trần Đại Nghĩa. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ngày 9/11 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chúc thọ nhà thơ tròn 100 tuổi.