(VOV5)- 17 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại cuộc triển lãm mang tên Chân dung mẹ, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hồng vẫn không giấu nổi sự xúc động. ‘Chân dung mẹ”, một cái tên rất đỗi giản dị, mộc mạc như chính tấm lòng của các mẹ vậy. Và đến giờ với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, người mẹ, nhất là các mẹ Việt Nam anh hùng vẫn là đề tài cuốn hút tạo cho ông niềm đam mê để bấm máy.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng
Sự nghiệp báo chí của Trần Hồng bắt đầu ở giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Bằng nhiệt huyết của người lính, của tuổi trẻ, sự nhạy cảm của một nhà báo, nghệ sĩ, Trần Hồng có rất nhiều bài và ảnh thời sự nóng hổi đăng tải thường kỳ trên báo Quân đội Nhân dân., Báo ảnh Việt Nam, Báo Nhân Dân. "Tôi về công tác ở báo quân đội nhân dân sớm có điều kiện hoạt động, tiếp cận với nhiều nỗi đau, mất mát của người vào trận. Khi vào địa phương thì lại gặp được những người chịu đựng còn hơn cả người vào trận. Tôi mải mê đi theo nghĩa vụ của tòa soạn nhưng tôi vẫn dành khoảng 30% thời gian để chụp các mẹ. Từ đó đến nay, thực sự các mẹ đã cuốn hút tôi."
Ông không chỉ muốn giữ lại khoảnh khắc trên gương mặt mẹ mà còn muốn khai thác phẩm chất tuyệt vời của người mẹ Việt Nam. Đứng trước mỗi bà mẹ, ông thấy ấm áp như được che chở. Bởi trong mỗi khuôn hình ông lại thấy có bóng hình mẹ ông trong đó. Với ông tất cả các bà mẹ trên dải đất hình chữ S xét về một góc độ nào đó đều là những bà mẹ anh hùng. "Năm 1968, khi đó tôi ở tập thể số 8 Lý Nam Đế, cứ chiều chiều tôi thấy một bà mẹ già hay đón đứa cháu đi. Nhìn bà cháu có tình cảm lạ lắm. Lần thứ 2 là tôi về quê thăm mẹ tôi, lúc đó mẹ tôi cũng đã 92 tuổi rồi nhưng mẹ vẫn coi tôi như một đứa trẻ con, tắm, gội đầu, kỳ lưng. Tôi thấy mẹ vui ghê, mắt sáng bừng. Tôi nhìn vào mắt mẹ, tôi nghĩ đến các đồng đội tôi. Niềm vui của mẹ rất nhỏ như vậy nhưng hàng triệu, hàng triệu các bà mẹ Việt Nam không có vì con mẹ ra mặt trận và mãi mãi không về. Qua ánh mắt mẹ tôi và hình ảnh bà già ở số 8 Lý Nam Đế hình thành cho tôi sự đam mê. Từ đó tôi theo đuổi để khám phá sức mạnh tiềm ẩn của các mẹ."
Với mong muốn khám phá đến tận cùng khả năng tiềm ẩn của người phụ nữ Việt Nam mà nổi lên là các bà mẹ có nhiều con hy sinh vì Tổ quốc, năm 1995, nghệ sĩ Trần Hồng tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Chân dung mẹ”: "Một nhà báo Mỹ khi xem triển lãm của tôi có nói nói rằng chân dung các bà mẹ này là nguyên nhân của nguyên nhân để tạo nên sức mạnh mà cộng sản các ông đã thắng chúng tôi. Ngẫm lại có lý, tất cả những người con nào khi làm bất kể việc gì, nhất là khi ở mặt trân giữa cái sống và cái chết, họ luôn luôn nghĩ về mẹ và họ muốn làm việc gì tốt nhất để chạy về khoe với mẹ. Mẹ làm nguồn lực tạo nên chiến thắng."
Một bức ảnh chân dung Mẹ của NS Trần Hồng
Bao nhiêu bức ảnh chân dung mẹ có được là biết bao nhiêu lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng rong ruổi về mọi miền quê khám phá chân dung những người mẹ nhân từ, vĩ đại và đến giờ ông vẫn lưu luyến giữ bên mình. Riêng chỉ chụp về mẹ thôi, bộ sưu tập riêng của ông có khoảng gần 2000 bức ảnh chân dung về mẹ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy cảm động. Ông kể rằng bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh (Hòn Ðất, Kiên Giang) trong ngôi nhà gỗ rất đẹp và rộng do Sư đoàn 4 tặng mẹ đã để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất: "Tôi chụp Má Khánh ở ấpTám Ngàn ở xã Bình Sơn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có 7 người con, thì cả 7 người vào mặt trận và hy sinh không về với mẹ một đứa nào. Khi tôi về quân đoàn 4 xây cho mẹ ngôi nhà rất đẹp. Lần đầu tôi về thấy cái nhà to bao nhiêu thì mẹ ngồi một góc chông chênh, bên một cái niêu cơm, một con mèo, một khúc cá rán và mấy cọng rau. Lần ấy tôi mặc quân phục đi vào, bà chồm ra tưởng như con mình đã về. Lần đầu tôi gặp bà hai mẹ con ôm nhau khóc, tôi không tài nào chụp được. Đến lần thứ 4 tôi mới chụp được và đó là một trong những ảnh tôi thích nhất."
Hay bức ảnh ông chụp Mẹ Thứ, cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh . Mẹ Thứ là Mẹ Việt Nam anh hùng có con cháu đã hy sinh cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Chồng, 9 người con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại của mẹ Thứ là liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Tác phẩm Đợi con về của nghệ sĩ Trần Hồng khiến cho bao con tim run lên vì xúc động. Nghệ sĩ Trần Hồng bảo khi chụp cảnh này mẹ Thứ ngồi, khuôn mặt kiện định vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. "Bất chợt bữa đến nhà với anh nhà văn Lê Văn Dũng thì thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà Thứ bảo Tôi vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng nó về với tô, chắc chắn thế. Đến 107 tuổi bà mất."
Những bức ảnh về Mẹ của nghệ sĩ Trần Hồng được in thành sách ảnh với nhan đề Chân dung mẹ do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 1997 và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bình chọn là tác phẩm đạt giải xuất sắc năm 1998. Niềm hạnh phúc lớn hơn đối với ông là mỗi lần về quê chụp ảnh, các mẹ đón ông bằng tình yêu và coi ông như người con trai, người con của mẹ Việt Nam anh hùng./.