Thư viện của những ước mơ

(VOV5) - Ngoài tri thức từ những trang sách, dự án “Thư viện từ những bông hoa” còn lan tỏa thông điệp “Hạnh phúc là được cho đi”.

Từ nhận thức về tầm quan trọng của sách và mong muốn của mình, chị Giang Châu và một số bạn trẻ ở Hà Nội đã hiện thực hóa ước mơ của mình và của nhiều thầy và trò ở vùng cao về một thư viện sách - Dự án “Thư viện từ những bông hoa”, biến hoa - biểu tượng của cái đẹp, thành “kho tàng tri thức”, ở các ngôi trường ở vùng cao.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sách là kho tàng tri thức vô giá. Đọc sách là phương pháp tự học rất thiết thực và hiệu quả. Hiểu rõ điều này, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, luôn khao khát có một thư viện đích thực. Tuy nhiên, điều đó còn chưa thể thực hiện được bởi ở nơi vùng cao này, điều kiện về kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên sách hay trang thiết bị dạy và học của thầy và trò vẫn còn là điều xa xỉ. Chỉ đến khi khát khao ấy được chia sẻ với chị Giang Châu, người sáng lập dự án “Thư viện từ những bông hoa”, trong chuyến công tác đến vùng đất này, thì ước mơ ấy đã thành hiện thực. Một thư viện với hàng trăm đầu sách, đủ các thể loại, được lựa chọn kỹ càng để phù hợp với các em học sinh và thầy cô.
Thư viện của những ước mơ - ảnh 1 Thầy giáo cùng các em học sinh bên tủ sách mới được lắp đặt - Ảnh: baodantoc.vn

Trong phòng thư viện xinh xắn, gấp lại trang sách đang đọc, Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, chia sẻ: "Con đang đọc sách “Chim bồ câu và cá chép”. Thư viện rất đẹp và đông vui, Côn thích đọc sách, đọc truyện vì sách giúp con nâng cao hiểu biết hơn".

Lò Thị Bảo Hân, học sinh lớp 5, cũng có sở thích đọc sách, bởi em học được nhiều điều bổ ích trong đó. Tuy nhiên, trước đây nhà trường không có thư viện, kinh tế gia đình eo hẹp nên em chưa có cơ hội được đọc những cuốn sách mình thích. Vì thế, khi có “Thư viện từ những bông hoa” do chị Giang Châu và nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội trao tặng, niềm vui của em như vỡ òa: "Thư viện của con đã thay đổi khi có rất nhiều sách. Có rất nhiều cuốn truyện hay mà con rất thích. Sách truyện ở đây được sắp xếp rất đẹp, gọn gàng".

Sách còn là phương tiện hỗ trợ giáo viên tốt hơn công việc giảng dạy hàng ngày. Vì vậy, khi mong ước về một thư viện “tươm tất” trở thành hiện thực, thầy cô cũng rất vui mừng. Cô Nguyễn Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trường Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chia sẻ: "Cá nhân tôi và tập thể nhà trường rất phấn khởi khi nhận được những cuốn sách ý nghĩa. Tôi mong tới đây thư viện sẽ phát huy hiệu quả. Các em ngoài việc học ở lớp thì đọc sách để có kiến thức, thầy cô thì nghiên cứu thêm các tài liệu nâng cao việc dạy cho từng môn học".

Thư viện của những ước mơ - ảnh 2Các bạn trẻ thành viên của nhóm "Thư viện từ những bông hoa" - Ảnh: baodantoc.vn

Chia sẻ về Dự án “Thư viện từ những bông hoa” tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chị Giang Châu, người sáng lập dự án, cho biết đây không phải thư viện duy nhất mang tên đặc biệt này: "Xuất phát từ những chuyến đi của tôi ở trên vùng cao, tôi cảm thấy có một tình cảm đặc biệt với các bạn nhỏ ở đây. Và tôi cũng mong muốn giúp điều gì đó cho các bạn nhỏ. Tôi đã nghĩ đến những cuốn sách vì tôi là một người rất thích đọc sách và tin rằng những thông điệp từ sách có thể giúp thay đổi tư duy cho các bạn, từ đó, các bạn có thể thay đổi cuộc sống".

Triển khai từ tháng 5/2023, đến nay, dự án “Thư viện từ những bông hoa” đã tạo dựng được 4 thư viện với 15 tủ sách. Trong đó, 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tổng số đầu sách cho những thư viện này là 6.500 cuốn. Hiện tại, dự án đang lên kế hoạch xây dựng thư viện cho một số trường học tại tỉnh Hà Giang.

Để có nguồn kinh phí cho dự án mà không phải đi xin tài trợ, chị Giang Châu và các cộng sự quyết định bán hoa tươi hằng tuần: "Khi mà làm thiện nguyện nhưng không muốn phụ thuộc vào việc xin, cho thì tôi đã nghĩ đến việc mình bán hoa tươi. Hoa tươi cũng là một thứ mà tôi rất thích và thường xuyên mua về để cắm. Tôi tin rằng, khi mình bán hoa tươi hàng tuần cho những người yêu hoa thì có thể duy trì được nguồn quỹ mua sách cho các bạn nhỏ vùng cao".

Chị Phạm Thị Bích Ngọc, người quản lý nguồn quỹ, chia sẻ: "Em hiểu rất rõ rằng, mỗi bó hoa trao đi thì sẽ nhận được thêm những trang sách nên em dồn hết năng lượng vào đó. Hơn thế, người nhận chủ yếu là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Em thấy mình được góp sức nuôi dưỡng mầm non của đất nước nên thực sự rất hạnh phúc khi nghĩ về việc mình đang làm".

Ngoài tri thức từ những trang sách, dự án “Thư viện từ những bông hoa” còn lan tỏa thông điệp “Hạnh phúc là được cho đi”. Chị Giang Châu và những thành viên dự án mong muốn ngày càng có thêm nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, đồng hành, để mang nhiều hơn nữa những cuốn sách - tri thức đến với trẻ em vùng cao. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác