Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam

(VOV5) - Mặc dù dòng sách dân gian dành cho thiếu nhi trên thị trường đã có, nhưng có nhiều lý do để NXB Phụ Nữ VN cũng thực hiện tủ sách này và lựa chọn hướng đi riêng.

Trên thực tế, văn học dân gian là một đề tài bao giờ cũng có sức sống, và luôn được các đơn vị xuất bản tại Việt Nam khai thác rất đều đặn, bền bỉ. Mảng sách thiếu nhi của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng không thể thiếu đi đề tài này, với một tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi, nhưng với định hướng, lựa chọn riêng, làm những cuốn sách hấp dẫn theo một lối đi riêng.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Đoàn Hùng:
Theo biên tập viên Nghiêm Thùy Dung, Phòng Thiếu nhi, NXB Phụ Nữ Việt Nam, thì lần ra mắt trong năm nay  của bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam (gồm 12 cuốn), Câu đố dân gian (2 cuốn), Đồng dao cho bé (2 cuốn)… là một bước làm - lại, nhưng với tinh thần tương đối tươi mới: về hướng biên soạn, lựa chọn dị bản, về minh họa hoặc về cách tích hợp các hoạt động đọc phù hợp với lứa tuổi.
Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam - ảnh 1
Như khi thực hiện bộ đôi sách Câu đố dân gian, các biên tập viên đã suy nghĩ nhóm thành hai chủ đề Động vật và Thực vật, Đồ vật và Phương tiện giao thông nhằm giúp trẻ dễ dàng hệ thống các hình ảnh, từ vựng.

Đồng thời, các tác giả cũng thử nghiệm đưa vào một số từ mới tiếng Anh, hi vọng những bạn nhỏ bước đầu làm quen “mặt chữ” – bởi lẽ tuổi 3-6 là giai đoạn tiếp nạp ngôn ngữ rất hiệu quả. Bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam ra đời dành cho trẻ lớn hơn một chút, các em biết đọc, biết viết, bắt đầu hình thành quan niệm vững hơn về thiện – ác, sự bất công hay lẽ công bằng.

Hay như với bộ Đồng dao cho bé, theo chị Thùy Dung thì: "Người biên soạn rất có lí khi đi theo 2 mục đích: phát triển tư duy ngôn ngữ, cảm xúc và phát triển kĩ năng vận động, làm việc nhóm, do kho tàng đồng dao Việt Nam vô cùng thích hợp đưa vào giờ học đọc, học hát, lúc vui chơi tập thể! "

Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam - ảnh 2

Đối tượng độc giả bộ sách dân gian hướng tới là thiếu nhi nhưng thực tế dù bạn ở độ tuổi nào vẫn có thể đọc được. Người lớn có thể đọc và chơi với con, cháu mình (Đồng dao cho bé, Câu đố dân gian) hoặc thủ thỉ với nhau Truyện tranh cổ tích Việt Nam. Anh chị em có thể vừa đọc sách đồng dao vừa chơi cùng nhau, hát đồng dao hoặc chơi đố vui cùng nhau. Những cuốn sách này không chỉ giúp trẻ luyện đọc, mà còn giúp trẻ tăng khả vận động nhanh nhẹn, linh hoạt, rèn luyện tư duy nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú.

Mặc dù dòng sách dân gian dành cho thiếu nhi trên thị trường đã có, và có những nhà sách tên tuổi rất thành công, nhưng có nhiều lý do để NXB Phụ Nữ cũng thực hiện tủ sách này và lựa chọn hướng đi riêng.

Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam - ảnh 3

Theo biên tập viên Nghiêm Thùy Dung, NXB Phụ Nữ Việt Nam cho biết thì: Dù sách cho thiếu nhi hiện nay rất đa dạng và phong phú, song phần lớn là sách hướng đến các hoạt động kĩ năng để giúp trẻ phát triển lành mạnh thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng đặc biệt quan trọng. Khi có được vốn từ tốt, trẻ sẽ có khả năng diễn đạt tốt hơn và điều này giúp ích nhiều cho quá trình học văn của trẻ về sau. Để trẻ có một vốn từ phong phú ngoài quá trình giao tiếp, trẻ cần đọc nhiều sách văn học, trong đó có văn học dân gian. Vì vậy, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản bộ sách dân gian (như Câu đố dân gian, Đồng dao cho bé, Truyện tranh cổ tích Việt Nam) cho thiếu nhi với hi vọng trẻ em vừa mở rộng được vốn từ vựng, vừa có được nguồn sách tư liệu để hiểu hơn về văn hóa dân gian của ông cha.

Bên cạnh những cuốn sách ít chữ như Đồng dao cho bé, Câu đố dân gian, thì Truyện tranh cổ tích Việt Nam  là những cuốn sách nhiều chữ. Đọc Truyện tranh cổ tích Việt Nam trẻ sẽ làm quen với cách kể chuyện có mở đầu và kết thúc, cách dẫn dắt câu chuyện sao cho phù hợp. Trẻ sẽ biết được nhiều nhân vật với tính cách nhút nhát – dũng cảm, thiện – ác và qua đó học được nhiều bài học bổ ích.  

Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam - ảnh 4

Đặc biệt, theo chị Nghiêm Thùy Dung, hướng tới đối tượng trẻ em, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã làm việc rất nghiêm ngặt: "tuyển chọn nội dung những cuốn sách từ nguồn đáng tin cậy, với sự đóng góp, tư vấn của nhà nghiên cứu (chẳng hạn  ấn phẩm Đồng dao cho bé: Em học em chơi và Thiên nhiên quanh em do nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương biên soạn)....Tính giáo dục, bố cục về lượng từ, thời lượng hoạt động tương tác v.v. đều bảo đảm, rất phù hợp khi đưa vào trường học, thư viện.

Điểm cộng của bộ sách là tranh minh đẹp, có thêm phần tương tác khiến cuốn sách thêm hấp dẫn. Vì thế tuy mới ra mắt nhưng bộ sách đã được độc giả rất đón nhận và khen ngợi vì sách đẹp và có điểm sáng tạo riêng. Bên cạnh đó, NXB cũng dành sự đầu tư cho phần minh họa, từ họa sĩ đã thành danh như Kim Duẩn, có kinh nghiệm về phong cách dân gian như Nguyễn Ngọc Thủy, hay họa sĩ trẻ như Bích Ngọc đều tỉ mỉ khi đặt bút vẽ.

Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi: Lối đi riêng của NXB Phụ nữ Việt Nam - ảnh 5

Theo biên tập viên Nghiêm Thùy Dung, văn học dân gian vốn là một mạch nguồn dồi dào, sẵn có, nên vấn đề đặt ra với nhóm biên tập là tìm ra cách làm mới hơn, hấp dẫn hơn từ phần lời đến hình ảnh minh họa. Như phần lời được đặt tác giả biên soạn lại dựa trên cốt truyện cổ tích xưa, có cải biên vài chi tiết, ví dụ, lược bỏ những chi tiết không còn phù hợp với thời đại mới trong truyện cổ tích Tấm Cám.

"Sở dĩ  chúng tôi chọn lược bỏ chi tiết này vì đối tượng hướng đến trước tiên là trẻ nhỏ, dạy trẻ hướng thiện, yêu thương mọi người nên chi tiết này không phù hợp với tiêu chí mà Nhà xuất bản hướng tới. Vì vậy, chúng tôi tiến hành cải biên lại nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên cốt truyện. Ngoài việc dựa vào ý kiến của nhà nghiên cứu, chúng tôi còn cố gắng tra cứu, đối chiếu một vài dị bản tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam, nhờ đó lựa chọn, biên soạn nội dung thực sựu  phù hợp với lứa tuổi (thí dụ một bản truyện Tấm Cám ít phổ biến hơn nhưng dễ được đón nhận hơn". - Chị Dung cho biết.

Một chi tiết bếp núc khá thú vị được chị Nghiêm Thùy Dung chia sẻ, đó là kể cả khi thực hiện tranh minh họa, vừa với yêu cầu cao nhất: đẹp, phù hợp, nhưng NXB đã trăn trở, cân nhắc để không vượt quá chi phí sản xuất dự tính, giữ giá bán trong tầm vừa phải, với ước muốn lớn nhất là có thể đưa sách đến được với bạn đọc trẻ em ở nhiều vùng miền trên cả nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác