Tổ chức động vật châu Á và hành trình cứu hộ loài Gấu Việt Nam

(VOV5) - Năm 2008, Tổ chức Động vật Châu Á đã thành lập Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Trong 8 năm qua, Trung tâm đã cứu hộ thành công và hiện đang chăm sóc cho hơn 150 cá thể Gấu. Phần lớn gấu tại Trung tâm được đưa về từ các trang trại nuôi gấu lấy mật. Số khác được cứu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã.

Tổ chức động vật châu Á và hành trình cứu hộ loài Gấu Việt Nam - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Chúng tôi đến Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam – một khu bán tự nhiên nằm trong vườn Quốc gia Tam Đảo vào một buổi sáng trong lành. Đỗ Thu Hằng, nhân viên trung tâm đang giới thiệu cho một đoàn các bạn trẻ từ Hà Nội về các chú gấu tại đây. Câu chuyện của Hằng, câu chuyện về những chú gấu cứ tự nhiên, cuốn hút chúng tôi.


Chú gấu mang tên “Sống sót” được cứu từ một trại nuôi gấu lấy mật ở Quảng Ninh. Theo lời kể của Hằng, khi được đưa về trung tâm, Sống sót gần như chỉ có da bọc xương, suy kiệt về thể chất và tinh thần. Mỗi cá thể gấu được đưa về Trung tâm đều mang những vết thương nặng nhẹ khác nhau - hậu quả để lại từ việc nuôi nhốt những lần trích hút mật. Như Vandrew bị mất 1 tay, Kay gần như hỏng cả hai mắt, hầu hết cá thể đều bị hỏng răng và bệnh ngoài da, có nhiều trường hợp túi mật bị tổn thương nghiêm trọng, phải cắt bỏ. Và cả những tổn thương tâm lý, như bạn gấu mang tên Tí Mập thường giật mình, sợ hãi, không dám bước trên thảm cỏ xanh. Hay như 2 chú gấu bé bỏng Goldie và Murphy phải mất vài tháng mới ổn định tinh thần.


Tổ chức động vật châu Á và hành trình cứu hộ loài Gấu Việt Nam - ảnh 2


Gần 100 nhân viên trung tâm trân trọng gấu như những con người cần được chăm sóc, giúp đỡ. Ngoài việc điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý, các bác sỹ ở đây còn rất chú trọng đến việc khôi phục bản năng tự nhiên cho gấu, bằng việc tạo ra các đồ chơi gần gũi với môi trường tự nhiên, hay giấu thức ăn vào hốc cây, cành cao, và trong các ống tre để gấu rèn luyện kỹ năng đánh hơi, tìm mồi. Hằng cho biết:"Thực đơn của gấu 20 ngày mới lặp lại một lần, là đồ ăn sống giống như tự nhiên. Thỉnh thoảng cho thêm các loại hạt, hoặc yến mạch trộn mật ong. Khi gấu ở khu bán hoang dã này, có các nhân viên theo dõi ghi chép lại các hành vi của gấu để báo cáo về đội thú y."


Tổ chức động vật châu Á và hành trình cứu hộ loài Gấu Việt Nam - ảnh 3


Điều khiến tôi ngạc nhiên là chỉ cần nhìn mặt gấu, Hằng có thể gọi tên, đọc ra tính cách và kể chuyện về chúng. Có lẽ vậy cũng đủ hiểu Hằng yêu và gắn bó với chúng thế nào. Hằng làm ở trung tâm được hơn 1 năm. Cô gái Hà Nội đang công tác trong ngành không liên quan đến động vật, lại sẵn sàng đến vùng núi chăm sóc những chú gấu. Công việc chắn chắn không dễ dàng gì, mà Hằng nói nhẹ tênh: “Mình thích thì mình làm thôi”. Một cô gái rất sợ truyền thông, chỉ cần nhìn thấy ống kính máy quay hay máy ghi âm của cánh phóng viên là không nói được gì. Ấy vậy mà khi nói về gấu, Hằng lại say mê như kể về những người thân.


Hằng bảo, các nhân viên ở đây đều yêu gấu như vậy. Từ các bác sỹ thú y, bác sỹ tâm lý, cho tới các anh chị công nhân cho gấu ăn...tất cả họ đều tận tụy và sáng tạo trong công việc. Chả thế mà anh Tuấn Bendixsen – Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam lại nói với giọng đầy tự hào khi nhắc đến đội ngũ nhân viên của mình: "Phải nói rằng chúng tôi đang có một đội ngũ nhân viên rất tuyệt vời. Hiện nay ở Việt Nam rất ít người được đào tạo chăm sóc động vật hoang dã, nên khi tuyển vào là chúng tôi đào tạo ngay từ đầu".

Tổ chức động vật châu Á và hành trình cứu hộ loài Gấu Việt Nam - ảnh 4


Bản thân anh Tuấn Bendixsen cũng là một Việt Kiều về nước và tự nguyện gắn bó với trung tâm trên suốt chặng đường gian nan. Hiện nay, ngoài việc giải cứu, chăm sóc phục hồi gấu, anh Tuấn cùng các anh chị em của Tổ chức Động vật Châu Á còn rất nỗ lực trong việc truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng, đấu tranh loại bỏ dần thực trạng nuôi gấu lấy mật. Anh Tuấn cho biết: "Chúng tôi thường tuyên truyền cho người dân và các thầy thuốc sử dụng các loại thảo dược thay thế cho mật gấu. Chúng tôi cũng tuyên truyền tới các trường học, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Vừa qua, chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến 2020 có thể cứu hộ toàn bộ 1200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, nhân rộng mô hình ở Tam Đảo ra các địa phương…".

Tại Trung tâm cứu hộ, những chú gấu hồn nhiên vui đùa như những đứa trẻ con. Chúng đã thực sự bỏ lại sau những nỗi đau trong quá khứ tận hưởng một cuộc sống mới… Với những người như anh Tuấn, như Hằng, và cán bộ nhân viên Tổ chức Động vật châu Á, họ luôn mong rằng sẽ ngày càng nhiều hơn những chú gấu được cứu khỏi cảnh ngục tù, và loài gấu Việt Nam sẽ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác