Triển lãm kiến trúc làng Việt truyền thống

(VOV5) - Làng là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt Nam, có tính cộng đồng và tự trị cao, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Triển lãm kiến trúc làng Việt truyền thống do Viện Bảo tồn di tích tổ chức, diễn ra từ 5/8 đến 30/8/2020 tại Hà Nội nhằm quảng bá và phát huy những giá trị cốt lõi của kiến trúc làng Việt truyền thống.

Tại triển lãm, Viện Bảo tồn di tích giới thiệu 6 ngôi làng tiêu biểu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam gồm: Cự Đà (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Ninh), Nôm (Hưng Yên), Hành Thiện (Nam Định), An Truyền, Phước Tích (Huế).

Triển lãm kiến trúc làng Việt truyền thống  - ảnh 1 Bản vẽ chi tiết, kiến trúc một số ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà.  - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Làng là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt Nam, có tính cộng đồng và tự trị cao, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Một trong những nét đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam là hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.

Các làng cổ là đối tượng trưng bày tại triển lãm lần này đều được Viện Bảo tồn di tích tiến hành khảo sát, điều tra và giới thiệu kèm các thông tin về lịch sử, văn hóa cũng như bản vẽ chi tiết các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu và các ảnh chụp sinh động.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết: “Làng Phước Tích, làng Cự Đà còn giữ lại 26 ngôi nhà cổ, làng An Truyền giữ lại 7 ngôi nhà cổ hay làng Hành Thiện còn được 10 ngôi nhà cổ và các công trình tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan không gian, đường làng ngõ xóm vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi nghĩ đó là những hình ảnh rõ nét nhất về làng cổ ở Bắc Bộ hay ở Trung Bộ. Qua đó, chúng ta không những có căn cứ khoa học để bảo tồn những ngôi làng cổ mà còn giúp chúng ta kế thừa phát huy những giá trị vốn có sao cho vừa đáp ứng sự phát triển của cuộc sống hiện đại vừa đáp ứng truyền thống tốt đẹp của ông cha.”

Các ngôi làng giới thiệu tại triển lãm đều gắn liền với các con sông, tạo môi trường thân thiện giữa con người với thiên nhiên cũng như chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, cho rằng: “Qua triển lãm cung cấp cho người xem khái quát, hiểu biết cơ bản nhất về làng cổ truyền thống Việt Nam và những di sản cả về vật thể và phi vật thể chứa đựng trong làng cổ như thế nào. Hiện nay có nhiều làng cổ bị mai một nên triển lãm là thông điệp nhắc nhở chúng ta dù kinh tế có phát triển ra sao, đô thị hóa như nào thì kiến trúc, di sản văn hóa của làng cổ phải giữ gìn, bảo vệ.”

Triển lãm kiến trúc làng Việt truyền thống  - ảnh 2Khách tham quan triển lãm - Ảnh: Báo Văn hóa. 

Khi xem triển lãm, người xem cảm thấy như được sống trong không gian nếp nhà cổ với phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Ông Tống Văn Tín, một du khách tới xem triển lãm, cảm nhận: “Tôi thấy các tác phẩm có hồn quê, hồn Việt và làng quê rất là êm đềm, tính dân tộc rất cao. Chúng ta ôn lại truyền thống song giáo dục truyền thống đẹp như thế, giá trị như thế làm thế nào giữ gìn và phát huy được.”

Qua từng bức ảnh trưng bày, người xem thấy được sự khác biệt riêng có của từng ngôi làng cổ mà không lẫn đi đâu được. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bày tỏ:"Trong những ngôi làng được trưng bày ảnh ở đây hầu hết tôi đã đến. Nhìn vào những ấn phẩm này thấy được điểm nhấn của công trình tiêu biểu. Ví dụ khi đến một ngôi làng chúng ta thấy có đình, chùa, đền, miếu… thì trong triển lãm này ghi được lịch sử ngôi làng, ghi được quá trình hình thành xây dựng cũng như dấu ấn đặc sắc về kiến trúc của từng ngôi làng.”

Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức giới thiệu cuốn sách “Kiến trúc làng cổ Việt Nam - Tập 1” (viết về 6 làng cổ tại triển lãm) và dự kiến sẽ sớm xuất bản cuốn “Kiến trúc làng cổ Việt Nam - Tập 2” tiếp tục giới thiệu 6 ngôi làng cổ tiêu biểu khác.

Làng Việt truyền thống vốn là một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức và điều hành xã hội. Ở đó, mỗi ngôi làng tùy thuộc vào môi trường tự nhiên xã hội lại có một cách chức tổ chức khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, đặc sắc của làng Việt. Ở Việt Nam hiện có 4 làng được công nhận là di tích Quốc gia, gồm: Đường Lâm (thành phố Hà Nội); Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên - Huế); Lộc Yên (tỉnh Quảng Nam); Đông Hòa Hiệp (tỉnh Tiền Giang). Triển lãm kiến trúc làng Việt truyền thống lần này dù chỉ giới thiệu 6 làng nhưng vẫn có nghĩa lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn giá trị của làng Việt truyền thống

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác