Những chiếc giếng làng trong ảnh của Nhiếp ảnh gia Lê Bích

(VOV5) - Giếng không chỉ là nguồn nước mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đã tạo nên văn hóa làng.

Ở làng quê Việt Nam, hầu như làng nào cũng có ít nhất một cái giếng. Giếng là một thành phần không thể thiếu đã tạo thành hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình” của làng. Giếng không chỉ là nguồn nước mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đã tạo nên văn hóa làng. Nhiếp ảnh gia Lê Bích đã đi qua khoảng 200 ngôi làng và chụp 300 giếng cổ khắp cả nước.

Những chiếc giếng làng trong ảnh của Nhiếp ảnh gia Lê Bích - ảnh 1 Nhiếp ảnh gia Lê Bích - Ảnh: qpvn.vn

Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972 tại Hà Nội. Là người chụp ảnh theo đuổi đề tài về làng nghề, Lê Bích dành thời gian đi khắp các làng quê Bắc Bộ để tìm hiểu và chụp ảnh về các nghề truyền thống, đồng thời vinh danh các nghệ nhân làng nghề.

Trong các chuyến đi đó, anh bắt gặp những chiếc giếng làng rất đẹp. Anh nhận thấy điều thú vị là chúng không chỉ có hình tròn mà còn cả hình vuông, chữ nhật, bán nguyệt, bát giác, bầu dục... Có giếng được đào rộng như chiếc ao con, xung quanh và thành thường xây gạch, xếp đá hoặc gạch đá ong. Nơi khác lại có giếng không xây thành, dân làng thường gọi là giếng đất. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ăn, sinh hoạt mà còn để gặp mặt, chuyện trò của người làng. Với một số giếng đặc biệt, dân làng dùng lấy nước để lễ, tế Thành Hoàng làng: "Với người trung niên họ nhìn nhận giếng như một giá trị tâm linh, ví dụ giếng là nơi tụ thủy tích phúc của làng, nơi giao hòa giữa trời và đất, ngày xưa không có nước thì nước đó là lộc, việc phân chia lộc phải công bằng. Giếng rất chan hòa, ai cũng có thể đến lấy nước giếng. Còn với người trẻ thì nhớ giếng là họ nhớ về làng, ông bà tổ tiên, nhớ về những ký ức tuổi thơ." - Anh nói.

Những chiếc giếng làng trong ảnh của Nhiếp ảnh gia Lê Bích - ảnh 2Giếng xóm Đình Mông Phụ- Đường Lâm. - Ảnh: Lê Bích. 

Nhiếp ảnh gia Lê Bích rất yêu các làng quê với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình vốn là nét đặc trưng của kiến trúc làng Việt. Trong đó giếng làng tồn tại trong nếp sống sinh hoạt có từ xưa. Chính vì vậy, anh đã đặt cho mình mục tiêu là chụp ảnh lại những chiếc giếng đẹp và phản ảnh những sinh hoạt cộng đồng. Anh cũng ghi chép lại những câu chuyện về những chiếc giếng đó.

Anh kể: "Có 1 cái giếng ngay ở thủ đô: giếng làng Dàn (tên Nôm), nay là thôn Kéo Đình ở Xuân Đỉnh. Nhiều nhà nghiên cứu nói với tôi làng có nhiều người Chăm. Khi tôi đến làng vào dịp lễ hội tháng 2 Âm lịch thì tuyệt vời! Cả một nghi lễ bên giếng. Lễ rước có cả những điệu múa sinh tiền, múa cổ… Hàng trăm người làng ra tụ hội bên giếng làm lễ. Các cụ dùng một cái mo cau gập lại. Sau khi làm lễ xong, lấy nước lên, đưa vào 1 cái chóe, 2 thanh niên gánh nước đấy đi dọc làng, rước nước cùng kiệu từ giếng về đình. Tự nhiên những người thanh niên đó chạy rất nhanh, không theo qui luật gì cả, ghé vào nhà này nhà kia. Dân làng rất mong được họ ghé vào nhà mình, vì họ quan niệm nước thánh vào nhà sẽ gặp may mắn."

Những chiếc giếng làng trong ảnh của Nhiếp ảnh gia Lê Bích - ảnh 3 Giếng làng xưa thành bể bơi ở Nghiêm Xuyên-Thường Tín-Hà Nội.  - Ảnh: Lê Bích

Chụp giếng từ năm 2010, đến nay, Lê Bích đã đi qua khoảng 200 ngôi làng và chụp 300 giếng cổ khắp cả nước, từ đồng bằng đến vùng cao và miền duyên hải. Điều hấp dẫn Lê Bích nhất là những giá trị tâm linh của giếng cổ mà càng tìm hiểu sâu, anh càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tiềm ẩn từ nó: "Giếng có những tầng văn hóa khác nhau. Trong 5 năm đầu tôi chỉ nghiên cứu giếng Bắc Bộ thường là những giếng khơi, giếng đất, nước mặt, mạch nước ngang. Thế nhưng khi vào miền Trung thì quan niệm của họ về giếng khác hẳn. Nước không phải đào dưới đất mà nước chảy từ triền đồi triền núi xuống thành vũng. Có một chiếc giếng ở Gio Linh, Gio An, Quảng Trị có cả một văn hóa ứng xử với đá. Họ xếp những tấm đá không có chất kết dính thành giếng. Nó độc đáo ở chỗ có sự phân tầng: nước ở tầng cao nhất người dân thường không được dùng. chỉ để cúng thánh thần; khi nước chảy xuống tầng thứ 2 người dân mới được dùng để ăn uống; xuống đến tầng thứ 3 thì trẻ con có thể tắm giặt hoặc cho trâu bò uống. Sau đó nước lại chảy theo một hệ thống máng đá để tưới tiêu cho đồng ruộng." - Lê Bích cho biết.

Trong quá trình tác nghiệp, nhiếp ảnh gia Lê Bích vẫn có trăn trở với những chiếc giếng mình chụp.: "Nhiều nơi tôi đi, tôi phải dùng từ là những chiếc giếng bị “phụ bạc”, người ta không quan tâm, nhiều nơi lấp đi xây đường, nhiều nơi lại để tù đọng. Nhưng rất mừng là vẫn có những làng họ quan tâm đến giếng, công đức để làm lại giếng. Có nơi còn cắt cử người ra trực trông giếng. Rằm mùng 1 họ lại vào miếu giếng để thắp hương. Phải nói tâm thức người Việt vẫn tôn trọng giếng làng."

Với những bức ảnh chụp giếng của mình, nhiếp ảnh gia Lê Bích mong muốn làm sao để nhiều người dân cùng biết rằng có những cái giếng làng đã từng tồn tại, giờ đang phải đương đầu với những đổi thay của thời thế, để họ cùng có ý thức giữ gìn và phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác