(VOV5) - Hơn một thập kỷ qua, lực lượng gồm những người nguyên là lãnh đạo, tổ chức nhà nước, những chuyên gia giáo dục, những cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã âm thầm lặng lẽ nhưng đầy nhiệt tâm, duy trì và đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài, vận động toàn dân từng bước xây dựng xã hội học tập. Đến nay, phong trào đã phát triển rộng khắp trên cả nước và đạt được kết quả thiết thực.
|
Tượng thờ vua Lý Nhân Tông, người có công lập ra Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám đã được ghi tên vào danh mục Di Sản Văn hóa Thế giới.(Ảnh: hieuhoc.com) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đến nay, sau 5 năm kể từ Đại hội thi đua và Đại hội biểu dương gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ 2, cả nước hiện có hơn 5 triệu gia đình hiếu học và hơn 50.000 dòng họ khuyến học được chính quyền cấp giấy chứng nhận. Ngoài các dòng họ hiếu học, còn có hàng chục nghìn cụm dân cư khuyến học.
Trong các phong trào khuyến học, khuyến tài đã xuất hiện nhiều địa phương, gia đình, dòng họ làm tốt công tác này. Tiêu biểu như gia đình ông Tạ Văn Sinh và bà Tô Thị Năm, người dân tộc Sán Dìu ở xã Tràn Lương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Xã Tràng Lương là xã miền núi còn nhiều khó khăn, với 95% dân số là đồng bào người dân tộc Sán Dìu.
Với quyết tâm đầu tư cho các con có được cái chữ, có tri thức xã hội để giúp đỡ bản làng, gia đình ông Sinh không quản mưu sinh, kiếm tiền và định hướng cho con cái được đến trường, đến lớp. Giờ đây, 10 người con của ông bà đã trưởng thành, có người là dược sỹ, bác sỹ, giáo viên, có người học thành Tiến sỹ, Giáo sư.
Ông Tạ văn Sinh chia sẻ: “Nhiều lúc con cũng muốn đi học, nhưng hoàn cảnh khó khăn qua, túng thiếu quá nên không thể đóng góp được, do vậy các con cũng muốn xin nghỉ. Thế nhưng chúng tôi quyết tâm không cho con nghỉ học. Dù phải ăn cháo, ăn rau cũng phải cho con đi học đến nơi đến chốn”.
Tại các kỳ Đại hội do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức, trong số các gia đình về dự đa số lại là các gia đình nông dân, công nhân, viên chức, bộ đội, công an, nhà giáo, nhà khoa học. Ngay cả với bà con dân tộc từ miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nam của Tổ quốc, thì những gia đình hiếu học là nhân tố tích cực trong các cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, là hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập tiến tới xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Ở nhiều địa phương, người dân đã nhận thức rõ phong trào khuyến học, khuyến tài không còn là việc riêng của mỗi gia đình, dòng họ mà thực sự trở thành việc chung của cộng đồng, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể. Anh Nguyễn An Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi thấy răng công tác khuyến học nếu được cả dòng họ đồng tâm hưởng ứng thì tác động của nó rất thiết thực, con cháu thường xuyên trau rồi học tập, trau rồi đạo đức. Chúng tôi có tôn chỉ đưa ra là phấn đấu học tập tốt hơn, tuyệt đối không được vi phạm pháp luật của Nhà nước. Đối với các bậc phụ huỳnh thì quan tâm đến con em nhiều hơn không những về học tập mà còn về nhân cách của các cháu nữa”.
Xây dựng gia đình hiếu học về thực chất là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, làm cho mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc học hành, gắn học tập với chủ trương vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triền ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất.
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, ở gia đình anh Rô, mỗi thành viên trong nhà lại chọn cho mình 1 cách học khác nhau để lập thân, lập nghiệp. Khi Hội Khuyến học tỉnh Đắc Lắc mở các lớp dạy nghề, vợ chồng anh Rô là người đầu tiên đăng ký đi học: “Năm 2008, Trung tâm học tập cộng đồng mở lớp học dạy may, dạy máy. Nói chung cả thợ hồ nữa. Nhờ cái đó, gia điình tôi cũng tham gia học lớp cộng đồng. Vợ tôi tham gia học lớp may còn tôi tham gia học máy. Đến nay, vợ tôi mở cửa hàng may, còn tôi ban ngày đi làm, đêm về chạy xe thồ kiếm thêm tiền để nuôi con cái học hành. Con gái đầu của tôi năm nay đã tốt nghiệp Đại học rồi”.
Mỗi địa phương một cách làm sáng tạo, mỗi dòng họ một hình thức khuyến học riêng, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần hiếu học của gia đình mình, dòng họ mình. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Thực hiện phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học là việc thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người mong muốn dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái, đất nước Việt Nam phát triển ngang bằng với các nước trên thế giới. Chúng ta xây dựng xã hội học tập để cho mọi người dân được học tập và học tập suốt đời”.
Như một mạch ngầm, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam không những được duy trì mà còn phát huy trong giai đoạn hiện nay. Những tấm gương hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học xuất hiện ngày càng nhiều là nguồn lực để xây dựng đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế./.