Văn hóa góp phần gìn giữ chủ quyền quốc gia

(VOV5) - Những công trình nghiên cứu về lịch sử bảo vệ chủ quyền, hoạt động khảo cổ học, đặc biệt là khảo cổ học dưới nước thời gian qua đã chứng minh từ hàng ngàn năm trước, người Việt đã có mặt ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hoạt động ấy diễn ra liên tục đến tận ngày nay. Như vậy, văn hóa và cội nguồn dân tộc góp phần quan trọng để khẳng định và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. 

Văn hóa góp phần gìn giữ chủ quyền quốc gia - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Sau nhiều năm chưa có điều kiện thực hiện chuyến đi thực địa, năm 2015, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cũng ra được quần đảo Trường Sa. Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, chuyến đi Trường Sa năm 2015 đối với ông vô cùng ý nghĩa. Ông cho biết: “ ra Trường Sa để thêm yêu Tổ quốc, thêm tự hào về sức mạnh dân tộc Việt Nam”. Ra Trường Sa còn là cách để kiểm chứng những tư liệu, thông tin mà ông đã nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, về những tư liệu khảo cổ học khẳng định sự hiện diện của người Việt cổ ở Trường Sa là có cơ sở.

“Lần này ra được Trường Sa, tôi có thể xác định được dấu tích của người Sa Huỳnh cổ và người Chăm cổ đã tiến ra khai phá khu vực này từ mấy nghìn năm trước rồi. Rõ ràng nhất là các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây 3000 năm và ở đấy người ra phát hiện ra hiện vật hết sức đặc trưng là khuyên tai hai đầu thú. Mà nói đến khuyên tai hai đầu thú thì ai cũng có thể nghĩ đến đấy là văn hóa Sa Huỳnh và chủ nhân của nó là Sa Huỳnh Việt Nam" - Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, cho biết sau hai đợt thăm dò và tiến hành thám sát khảo cổ ở một số đảo trong quần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gốm từ thời Đinh- Tiền Lê (thế kỉ 10), thời Lý- Trần (thế kỉ 11- 14), Hậu Lê (thế kỉ 15-16), đến tận nhà Nguyễn. Ông cho rằng những mảnh gốm đó dù là của người đi buôn, người đánh cá, hay là một bộ phận đã cư trú trên đảo, thì đều là chứng cứ về sự có mặt của người Việt. "
Những cái đó chứng minh rằng hoạt động của người Việt ở khu vực quần đảo Trường Sa có từ rất sớm và liên tục từ đó đến nay. Điều đó chứng tỏ hoạt động về biển cũng như quá trình thực thi những nhiệm vụ giao thương kinh tế, văn hóa của người Việt trên đường biển có từ rất sớm. Đó là điều nhận thức được do khảo cổ học mang lại. Trong khi những nước khác dường như không có chứng tích gì ở đấy thì chúng ta lại tìm ra toàn chứng tích của người Việt" - Phó Giáo sư Tống Trung Tín khẳng định.


Không chỉ các di chỉ, hiện vật khảo cổ, sự hiện diện những ngôi chùa mang kiến trúc chùa chiền ở đồng bằng Bắc bộ trên một số đảo như Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, thị trấn Trường Sa, cho thấy ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Lần theo sử cũ, sách Đại Nam thực lục chính biên và Đại Nam hội điển sự lệ đều ghi chép rõ việc Vua Minh Mạng nhiều lần cử người đưa vật liệu ra quần đảo Hoàng Sa xây dựng chùa, miếu làm nơi thờ tự, cầu bình an cho những người đi biển. Những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa là sự tiếp nối truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của cha ông Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.


Có dịp ra thăm cán bộ, nhân dân huyện đảo Trường Sa bây giờ, không ai không xúc động và tự hào khi đứng dưới tượng đài uy nghi của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để nhớ về chiến thắng lẫy lừng của quân dân Đại Việt trên sông Bạch Đằng, nhấn chìm quân cướp nước Nguyên Mông từ thế kỷ 13; cũng là dịp để nghĩ về đường lối trị nước được anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đúc kết: “khoan thư sức dân, là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước”. Với ý nghĩa ấy, những biểu tượng văn hóa chính là sức mạnh để động viên tinh thần dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc khẳng định: 
“Cái quan trọng nhất để đấu tranh, giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ chính là phải giữ được bản sắc văn hóa. Tôi cho rằng cái đó mới là bia chủ quyền quan trọng nhất - cái bia trong tâm khảm của mỗi con người. Văn hóa dân tộc là một vũ khí mạnh, thậm chí là vũ khí cực mạnh để khẳng định và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lãnh thổ”.


Sau Khu tưởng niệm Liệt sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa, ngay trong tháng 1 năm 2016 này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà nhiều thế kỷ trước những dân binh Quảng Ngãi đã theo lệnh triều đình nhà Nguyễn giong thuyền ra khai phá đất đai, xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Những công trình văn hóa – tâm linh đã, đang và sẽ còn là biểu tượng của truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, là một thứ vũ khí mạnh mẽ để người Việt Nam đứng vững trước muôn trùng sóng gió, gìn giữ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác