(VOV5) - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt không chỉ là khuyến nghị mà nó cần phải đi vào cuộc sống và được luật hóa.
Trước thềm Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trả lời phỏng vấn.
Thưa ông Nguyễn Thế Kỷ, xin ông cho biết cụ thể hơn về lý do tổ chức Hội thảo khoa học này?
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Bác dặn chúng ta: Tiếng Việt là vốn quý của cha ông, chúng ta phải biết giữ gìn, nâng niu. Với các nhà báo, Bác căn dặn: Khi đặt bút viết, chúng ta phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết về cái gì? Viết như thế nào? Để mọi người dân đều dễ hiểu, dễ nhớ thì viết câu, chữ phải giản dị, rõ ràng, trong sáng, mạch lạc. Đến nay, lời căn dặn của Bác vẫn mang tính thời sự.
|
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Suốt 71 năm qua, công cuộc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt luôn được Đài TNVN nêu cao ý thức và đạt được kết quả đáng tự hào. (Ảnh: Quang Trung) |
Đài TNVN - một trong những cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước. Ngay từ khi ra đời, ngày 7/9/1945, lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam” đã vang lên hào sảng, xúc động. Ngay từ lúc đó và suốt 71 năm qua, công cuộc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt luôn được các thế hệ, cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Đài nêu cao ý thức và đạt được những kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, mọi việc không phải đều suôn sẻ, tốt đẹp, còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Hiểu rõ sứ mệnh đó, Đài TNVN đã phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Có thể nói, đây là hội thảo lớn thứ 3 về công cuộc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Trước đó, tháng 2/1966, khi đất nước ta đang kiên cường chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, ngay tại Thủ đô Hà Nội, dưới tiếng gầm gào của bom đạn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chủ trì Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”. Năm 1979, đất nước mới ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tháng 10/1979, một hội nghị toàn quốc lần thứ 2 bàn về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt vẫn được tổ chức. Và Hội thảo khoa học này, có thể xem là hội nghị lần thứ ba.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Hội thảo này, nhất là trong bối cảnh sử dụng Tiếng Việt hiện nay?
Người Việt rất tự hào về Tiếng Việt - một ngôn ngữ có 6 thanh điệu, giàu nhạc tính, giàu biểu cảm, diễn tả được tất cả mọi khái niệm, mọi biểu đạt trong đời sống, từ giao tiếp hằng ngày đến những vấn đề lớn lao của khoa học. Năm 1945, Tiếng Việt được độc lập, tự do cùng với sự độc lập của đất nước mình, dân tộc mình. Từ đó đến nay, Tiếng Việt đã có bước phát triển rất lớn, được làm giàu có thêm kho tàng ngôn ngữ của dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta hội nhập, giao lưu, đi vào kinh tế thị trường thì dường như việc sử dụng Tiếng Việt có nhiều vấn đề nổi cộm. Ở một nơi, một lúc, một cá nhân nào đó có biểu hiện không giữ gìn, có khi là xô bồ, lệch lạc trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài, những cách biểu đạt lai căng gây nên những bất bình trong dư luận. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải đánh giá, nhìn nhận lại việc sử dụng Tiếng Việt, cái gì tốt thì phát huy, nâng lên; cái gì sai, lệch lạc phải điều chỉnh. Việc sử dụng Tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông rất cần sự nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc, từ đó chấn chỉnh những sai sót, yếu kém.
Các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử - nơi sử dụng Tiếng Việt nhiều nhất, suốt cả ngày đêm, năm, tháng, có tác động lớn đến công chúng thì càng cần gương mẫu trong việc sử dụng Tiếng Việt, cần hướng dẫn để mọi người biết giữ gìn sự trong sáng tiếng mẹ đẻ của mình.
Ông nhận xét như thế nào về những bản báo cáo khoa học, bài viết của các tác giả tham gia Hội thảo?
Ngay khi đề xướng, Hội thảo đã được rất nhiều các cơ quan: nghiên cứu, báo chí, quản lý và các giới theo dõi, ủng hộ nhiệt tình. Đến nay, chỉ sau hơn 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được xấp xỉ 300 báo cáo khoa học, gần 100 bài viết, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và công chúng báo chí trên cả nước. Các báo cáo và bài viết đều mang tính khoa học cao, có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện sự nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá công phu, nghiêm túc về việc sử dụng Tiếng Việt, nhất là việc sử dụng Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng những năm gần đây. Cùng với đó là những kiến nghị và đề xuất giải pháp nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó, thúc đẩy công cuộc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành, mọi giới, mọi người.
Cá nhân ông mong muốn điều gì sau Hội thảo này?
Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt không chỉ là nguyện vọng, khuyến nghị mà nó cần phải đi vào cuộc sống và được luật hóa chứ không phải ai muốn nói, muốn viết thế nào cũng được. Tôi mong muốn đến một lúc nào đó, các cơ quan chức năng sẽ trình Quốc hội để Quốc hội có thể ra một bộ luật về Tiếng Việt. Nếu ai sử dụng Tiếng Việt không đúng thì nhắc nhở, điều chỉnh, ai cố tình vi phạm thì phải có chế tài xử lý.
Theo ông, với Đài TNVN, kết quả của Hội thảo khoa học này có giá trị như thế nào?
Đây là một sự kiện văn hóa, sự kiện khoa học không chỉ các giới khoa học, báo chí, nghiên cứu ngôn ngữ Tiếng Việt, các nhà quản lý, lãnh đạo mà ngay cả mỗi cá nhân đều có thể thu hoạch, chắt lọc, tìm thấy trong đó những kinh nghiệm, bài học để làm tốt hơn công việc của mình cũng như nâng cao kỹ năng giao tiếp hằng ngày.
Riêng Đài TNVN, Hội thảo này chắc chắn để lại rất nhiều kết quả hữu ích. Các biên tập viên, phóng viên khi viết và biên tập tác phẩm báo chí, các phát thanh viên, bình luận viên, nghệ sĩ khi trình bày một bài viết, bình luận về vấn đề nào đó thì phải làm như thế nào cho chính xác, mạch lạc, gãy gọn, hấp dẫn, đạt hiệu quả cao nhất. Bởi nói là diễn đạt ngôn bản, là nói năng văn hóa. Nếu không rèn luyện, không có kỹ năng giao tiếp thì có thể dẫn đến sơ suất, sai sót.
Xin cảm ơn ông!