Kể từ buổi ban đầu và trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phát thanh Đối ngoại đã đưa tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đến với hàng triệu người trên thế giới, mang đến cho bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới hình ảnh người dân Việt Nam kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Những năm kháng chiến chống Pháp, các chương trình phát thanh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, quốc tế ngữ (Espiranto), tiếng Lào, Campuchia, Thái Lan của Đài TNVN đã quán triệt được tầm nhìn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ chặt chẽ giữa quốc gia và quốc tế, coi trọng vấn đề thông tin tuyên truyền cho các đối tượng nước ngoài. Từ năm 1955 - 1964 là khoảng thời gian Đài Tiếng nói Việt Nam củng cố và phát triển các chương trình phát thanh đối ngoại. Ban Tuyên truyền đối ngoại ra đời. Thời gian cao điểm, Ban Tuyên truyền Đối ngoại đã có các chương trình phát thanh ra nước ngoài bằng 12 thứ tiếng: Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Nhật, Anh, Pháp, Bắc Kinh, Quảng Đông, Nga, Tây Ban Nha và Triều Tiên. Trong giai đoạn này, buổi phát thanh tiếng Anh của Đài TNVN được phát sóng hằng ngày từ Cuba sang đất Mỹ đã có tác dụng không nhỏ trong việc thuyết phục nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới về tính chất tàn bạo, phi lý của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đặc biệt, buổi phát thanh tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ mang tên “Trò truyện với binh sĩ Mỹ” gắn liền với tên tuổi của phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ đã có tác động rất lớn đến tư tưởng, tâm lý và tinh thần của binh sĩ Mỹ ở miền Nam và nhân dân tiến bộ Mỹ, góp phần dấy lên phong trào phản chiến của nhân dân và binh sĩ Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ. Các buổi phát thanh bằng các thứ tiếng khác của Đài TNVN cũng đã tìm mọi cách vượt lên tiếng bom đạn Mỹ, đưa tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đến với hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Năm 1975 là thời điểm mở đầu loạt sự kiện có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Yêu cầu mới của phát thanh đối ngoại sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mỗi người phải thay đổi nếp tuyên truyền cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, nói tiếng nói hòa bình, hữu nghị thay cho nếp tuyên truyền thời chiến. Những năm tháng này, những người làm báo phát thanh đối ngoại đã tích lũy được các kinh nghiệm ban đầu về tính đối ngoại hóa và đối tượng hóa, về yêu cầu làm đối ngoại là cần phải hiểu sâu thực tiễn đối nội mới có thể phản ánh chính xác và sinh động về các vấn đề về Việt Nam cho các đối tượng người nước ngoài... Năm 1980, lần đầu tiên, Phát thanh Đối ngoại tổ chức cuộc thi trên sóng phát thanh mang tên “Bạn biết gì về Việt Nam” cho các thính giả nghe đài là người nước ngoài. Gần một ngàn bài viết của các tác giả ở khắp các châu lục tham gia cuộc thi, là một kết quả bất ngờ, cho thấy hiệu quả của Phát thanh Đối ngoại thời kỳ này.
Bắt kịp xu thế đổi mới
Cùng với xu hướng đổi mới của đất nước, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Đài TNVN đã cử các phóng viên, biên tập viên Phát thanh Đối ngoại tham gia các khóa học tập ở các nước phát triển để áp dụng các kinh nghiệm, kiến thức mới vào công việc hằng ngày. Hệ Phát thanh Đối ngoại đã sắp xếp và đổi mới các chương trình phát thanh trên sóng trung và sóng ngắn ra nước ngoài, hướng đến việc có các chương trình phát thanh dành riêng cho từng nhóm đối tượng thính giả. Kênh phát thanh trực tiếp trên sóng FM, bằng các thứ tiếng Anh, Pháp sau đó là Nhật, Nga, Trung Quốc và tiếng Việt, lên sóng ngay từ ngày 1/7/1998, đánh dấu một bước ngoặt trong phát thanh trực tiếp, phát thanh hiện đại trên sóng Phát thanh Đối ngoại của Đài TNVN. Tiếp đó, theo nhu cầu phát triển, Hệ Phát thanh Đối ngoại đã phát sóng chương trình phát thanh tiếng Đức (ra đời 1/3/2006), đưa chương trình này, năm nay tròn 10 tuổi, thực sự trở thành kênh thông tin tin cậy của thính giả nói tiếng Đức trên toàn thế giới.
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông mới, đặc biệt là internet, ngày 16/1/2012, Hệ Phát thanh Đối ngoại đã lên trang Thông tin Điện tử Đối ngoại vovworld.vn bằng 12 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia. Cùng với phát trực tuyến và treo file âm thanh của 12 chương trình phát thanh hằng ngày, vovworld.vn còn đăng các tin, bài, chuyên mục của 12 chương trình phát thanh trên trang web, cùng nhiều phóng sự ảnh... thực sự nối dài cánh sóng của Phát thanh Đối ngoại đến với bạn bè thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Ngày 30/5/2014, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hệ Phát thanh Đối ngoại chính thức đổi tên thành Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới, đặc biệt quan trọng cho Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia của Đài TNVN. Từ đây, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia có thể triển khai thực hiện quy hoạch mở rộng vùng phủ sóng, lên thêm các chương trình phát thanh, khẳng định được vai trò là kênh phát thanh đối ngoại duy nhất và mạnh nhất hiện nay. Theo tiến trình đó, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia đang triển khai dự án Kênh Phát thanh tiếng Anh liên tục 24/7, với phong cách hiện đại, hấp dẫn về nội dung và hình thức thể hiện, góp phần nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại của Đài TNVN và nâng cao vị thế của phát thanh nói chung ở các khu đô thị lớn.
Trong chặng đường phát triển 71 năm qua, Phát thanh Đối ngoại của Đài TNVN đã trải đầy cam go, thử thách và cũng không ít vinh quang. Nhưng đỉnh cao nhất của sự nghiệp Phát thanh Đối ngoại vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi những người làm phát thanh Đối ngoại phải tiếp tục tìm tòi, khám phá, tận dụng ưu thế của công nghệ truyền thông hiện đại, phương thức truyền dẫn, truyền thông xã hội... và đặc biệt cần có đội ngũ làm chương trình tinh thông nghề và bản lĩnh chính trị cao để đưa Tiếng nói Việt Nam ngày càng lớn mạnh và vang xa.