(VOV5) - "Không xoè không vui, không xoè lúa không tốt, không xòe không thành đôi".
Tại phiên họp trực tuyến sáng ngày 15/12 của Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục- Khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Xúc động và tự hào là cảm xúc của hàng triệu đồng bào người Thái trên khắp miền Tây Bắc của Việt Nam khi đón nhận tin vui này.
Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh - Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Việc ghi danh hồ sơ Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Chị Hoàng Thị Liên ở Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Điệu xòe thân thuộc như cơm ăn, nước uống hàng ngày đối với người Thái, được bao thế hệ gìn giữ, bồi đắp, giờ đây đã được cả thế giới biết tới, sẽ là cơ sở để điệu Xòe mãi trường tồn với thời gian. Là người con của Sơn La tôi thấy rất tự hào khi điệu xòe của chúng ta đã được mang ra cả thế giới. Tôi là người rất yêu văn nghệ, cũng hay thường xuyên biểu diễn cho các chương trình của các câu lạc bộ, chúng tôi cũng đã mang nhiều bài xòe để đi biểu diễn tại các sự kiện chúng tôi tham gia, được khán giả đánh giá rất cao từ các điệu múa, động tác cho đến trang phục váy áo cóm của người Thái, tôi thấy rất tự hào.
Nghệ nhân Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, người dành mọi tâm huyết cho việc truyền dạy và lưu giữ những điệu xòe suốt mấy chục năm qua, cho biết: Người Thái ở Mường Lò (Yên Bái), nơi được coi là quê hương người Thái miền Tây Bắc, quan niệm rằng "không xoè không vui, không xoè lúa không tốt, không xòe không thành đôi". Chính vì vậy trong bất cứ hội vui nào, các vòng xòe lại được rộng mở. Tình đoàn kết cộng đồng như được thắm đượm hơn, công việc trôi chảy, thuận lợi hơn. Với ý nghĩa ấy, các điệu xòe không khi nào tách khỏi đời sống, sinh hoạt thường ngày và luôn có trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái. Ở Mường Lò hiện có hàng nghìn nghệ nhân có thể xòe hay, xòe bài bản và thể hiện được hết tâm tư, tình cảm trong mỗi động tác; Mường Lò hiện cũng đã đưa xòe Thái vào truyền dạy trong các trường học, với mong muốn ngày càng có nhiều thế hệ tiếp nối yêu thích và quan tâm lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc này của dân tộc. Việc UNESCO ghi danh Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm vui, sự tự hào mà quan trọng hơn là từ đây Xòe Thái sẽ càng được phát huy hơn nữa, lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng.
Các điệu xòe không khi nào tách khỏi đời sống, sinh hoạt thường ngày và luôn có trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái - Ảnh: VOV |
Theo bà Điêu Thị Siêng: "Xòe Thái của mình được UNESCO công nhận là Di sản ăn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì tôi thấy không có gì bằng, vô cùng phấn khởi, tự hào. Ông cha đã để lại cho những điệu xòe như thế, các thế hệ tiếp nối trực tiếp truyền dạy cho con cháu, những thế hệ tiếp theo, không cho nó mai một".
Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa và trong cuộc sống lao động. Xòe có 3 loại chính là xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013. Hiện nay, trung tâm của Xòe Thái có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), huyện Thuận Châu (Sơn La).... Điệu xòe cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người cùng tham gia, vì vậy có sức sống bền vững, được cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.
"Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên rất vui mừng phấn khởi khi điệu Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo định hướng của ngành thì không chỉ trong dịp lễ hội mà tại các bản văn hóa du lịch, mỗi khi có sự kiện, lễ hội đều đưa điệu xòe Thái vào biểu diễn; trước đây chúng tôi đã duy trì và nay tiếp tục tiếp nối. Trong thời gian tới, ngoài các sự kiện tại tỉnh, tại Làng Văn hóa Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ mời các nghệ nhân tham gia trình diễn điệu xòe Thái để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế" - ông Hiệp nói.
Hiện các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã lên kế hoạch phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022. Đây chắc chắn sẽ là Ngày hội vui của đồng bào Thái Tây Bắc và vòng xòe sẽ lại rộng mở đón chào du khách gần xa, như tục lệ và lòng mến khách của đồng bao từ bao đời nay.