Thành quả 1 năm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam

(VOV5) - Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. 

Kể từ mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch tại Hải Dương sáng ngày 8/3/2021, đến nay, Việt Nam đã tiêm khoảng 200 triệu liều vaccine. Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 1/2020. Dù năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35 ca, nhưng đến năm 2021, tình hình trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc và số ca tử vong tăng cao. Dịch lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2022, nhất là trong tháng 2 và đầu tháng 3, các ca mắc mới liên tục tăng cao tại nhiều địa phương, như: Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Sơn La…

Thành quả 1 năm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Minh

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19. Chiến lược vaccine của Việt Nam tập trung vào các nội dung chính như: đẩy mạnh ngoại giao vaccine; tăng cường nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử... 

Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.

Đáng chú ý, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, dù số mắc mới thời gian gần đây có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng số ca tử vong giảm.

Thành công trong chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 không chỉ góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch mà còn làm cho cả nước "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả" song song với phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…

Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua vaccine và chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi; đồng thời đang nghiên cứu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4.

Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang có 3 ứng viên vaccine COVID-19 sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ triển khai thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Đó là Vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen; vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang và vaccine ARCT-154 - vaccine công nghệ mRNA của Công ty Acturus (Mỹ) được Tập đoàn VinGroup đàm phán để chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác