Chuyển đổi số để Việt Nam phát triển

(VOV5) - Đáng chú ý, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ tạo động lực mới, quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam xác định đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn tới.

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện, tạo động lực mới cho sự phát triển.

Chuyển đổi số để Việt Nam phát triển - ảnh 1Ảnh minh họa: congthuong.vn

Chuyển biến tích cực của ứng dụng công nghệ số trong kinh tế - xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là 1 trong 4 bộ, ngành đã chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến. Ngành đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính trực tuyến. Các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN.  

Việc 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính giảm 86%. Người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất. Hiện khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với BHXH Việt Nam để thực hiện dịch vụ công thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. 74% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đang được cơ quan BHXH chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: "Càng chuyển đổi số nhanh thì dư địa cắt giảm thủ tục hành chính ngày càng nhiều. Trên cơ sở dữ liệu, trên cơ sở liên thông và chia sẻ dữ liệu, ngành tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân, làm sao phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, thuận tiện nhất."

Trong lĩnh vực kinh tế, việc chuyển đổi số cũng mang lại những hiệu quả rõ nét. Số hóa các ngành kinh tế, công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng loạt sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.

Đáng chú ý, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo  Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm ngoái. 6 tháng năm nay đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới, như: điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI)...

TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, nhìn nhận: "Điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho kinh tế thực phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam, là một nước đi sau có thể bắt kịp, có thể đi cùng với thời đại, với các nước.

Xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại 

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, có sự kết hợp hài hòa giữa con người và công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Để phục vụ cho mục tiêu này, Việt Nam đã có sự chủ động từ nhiều cấp.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định: "Nhận thức được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN."

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố Đà Nẵng thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030, đào tạo 5.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn. Tại Bình Định, tỉnh vừa khởi công dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định (18/8). Dự án đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: "Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ sẽ đóng vai trò như một điểm nhấn trong hệ sinh thái công nghệ của tỉnh, nơi tập trung vào các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng AI vào các lĩnh vực quan trọng."

Chuyển đổi số mạnh mẽ là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam phát triển. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số vào năm 2030.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác