(VOV5) - Năm 2023, ông được Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu nói riêng và Việt Nam nói chung vinh danh là Anh hùng Thực phẩm (Food Hero).
Giáo sư Võ Tòng Xuân được biết đến là “cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong nông nghiệp của Việt Nam. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, luôn quan tâm, trăn trở với nông nghiệp của vùng và đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Ngày 19/08, ông qua đời ở tuổi 84. Ông ra đi, nền nông nghiệp Việt Nam đã mất đi một trong những nhà khoa học xuất sắc.
Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một cuộc trả lời phỏng vấn về Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Ảnh: VOV
|
Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và đã có những nghiên cứu, sáng kiến rất có giá trị. Ông đã phát triển các giống cây trồng mới, cải tiến quy trình canh tác và nâng cao khả năng quản lý tài nguyên nông nghiệp. Những công trình của ông không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Đặc biệt, trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn, Giáo sư Võ Tòng Xuân và các cộng sự đã nỗ lực nghiên cứu ra giống lúa như: Thần Nông, IR36, IR33, IR64… phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng là nhà khoa học có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần rất lớn tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng cho thế giới. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cho biết: Trong giai đoạn bắt đầu đổi mới, thầy là một trong những người tiên phong cùng các nhà khoa học ở Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long góp phần phát triển ngành trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống canh tác, đảm bảo an ninh lương thực. Những giống lúa thầy đưa về từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) là đột phá, là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho quá trình phát triển tiếp theo. Thầy cũng là một trong những người kết nối IRRI với vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay từ đầu tiên.
Giáo sư Võ Tòng Xuân được vinh danh giải đặc biệt, giải Vinfuture dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ảnh: VOV
|
Nhà khoa học Võ Tòng Xuân Năm tốt nghiệp cử nhân hóa nông năm 1966 và làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines. Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông trở về Việt Nam và làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó, ông lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975. Là nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế, ông có điều kiện định cư và công tác tại nước ngoài, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển, tuy nhiên, ông lựa chọn ở lại Việt Nam trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn.
Trăn trở với nông nghiệp quê hương, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đi khắp các đồng ruộng, các vùng đất; gặp gỡ nhiều nông dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm và cả khát vọng phát triển cây lúa. Ông và các cộng sự đã có nhiều công trình nghiên cứu, cố vấn để kết hợp nhiều mô hình sản xuất, phù hợp với đặc thù từng tỉnh, từng vùng, từng khu vực, giúp nông dân làm giàu từ cây lúa, đặc biệt là góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế. Sinh thời, nhà khoa học Võ Tòng Xuân chia sẻ: Tôi một lòng có nguyện vọng là làm sao mình đem hết sức mình để mình làm cho bà con nông dân khá hơn, giàu hơn. Bây giờ, dù đã đạt được những thành tựu về cây giống và giá thành, nhưng tôi vẫn trăn trở là làm sao nông dân được hưởng trọn vẹn thành quả này.
Trong hơn 60 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã để lại nhiều dấu ấn tại các tỉnh, thành là vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết: Không riêng về tỉnh Bến Tre mà cả Miền Tây, thầy Võ Tòng Xuân đóng góp rất nhiều cho ngành nông nghiệp. Về mặt chuyên môn, kỹ thuật thầy Xuân có những ý kiến rất hay, có quan điểm về thị trường, quan điểm về sản xuất rất phù hợp với chủ trương của Đảng. Thầy Xuân có cái nhìn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất toàn diện. Thầy là bậc tiền bối rất đáng kính trọng, có nhiệt tình với công việc, có sự đam mê, rất có tâm.
Còn tại Tiền Giang, dấu ấn của Giáo sư Võ Tòng Xuân là những giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Tiến sỹ Phạm Văn Nghi, nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thầy rất chuyên tâm về công tác nghiên cứu và dạy học. Ở Tiền Giang, thầy đã về triển khai phong trào làm giống lúa, phòng trừ rầy nâu tại nhiều điểm. Thầy rất gần gũi với nông dân, tích cực đồng hành với nông dân. Đi đến đâu thầy cũng truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ nông dân nhân giống, kỹ thuật, biện pháp tốt để tăng năng suất.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của Giáo sư Võ Tòng Xuân còn mang nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo ở Châu Phi khi đưa nhiều giống lúa Việt Nam hay nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ các nước: Sierra Leone, Liberia, Nigieria, Xu- đăng, Mozambique, Angolia, Cameroon…, kiến thiết nền nông nghiệp phù hợp với tình hình và điều kiện của từng quốc gia. Ông được những người được bạn bè quốc tế gọi với các tên thân mật "Dr. Rice".
Với những đóng góp cho nông nghiệp Việt Nam và thế giới, Giáo sư Võ Tòng Xuân được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tặng thưởng như: Giải thưởng Nikkei châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng; Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật Australia 2005; Huy chương "Kỵ mã Nông nghiệp" của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Pháp; Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 về Phục vụ nhà nước… Năm 2023, ông được Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu nói riêng và Việt Nam nói chung vinh danh là Anh hùng Thực phẩm (Food Hero) và nhận giải thưởng VinFuture dành cho các nhà khoa học đến từ các nước phát triển với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng rầy”.
Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân qua đời là mất mát to lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cộng đồng khoa học quốc tế nói chung. Những công trình nghiên cứu, thành tựu khoa học mà ông đã để lại cho nền nông nghiệp sẽ là di sản quý báu, là nền tảng quan trọng đối với các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu sau này.