Nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp

(VOV5)- Bắt đầu từ năm 2012, tháng 5 hàng năm được chính thức công nhận là "Tháng Công nhân". Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân lao động Việt Nam.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp - ảnh 1
Mọi hoạt động trong Tháng công nhân đem lại lợi ích cho người lao động


Vào Tháng Công nhân bắt đầu từ năm 2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra 5 nội dung lớn cần triển khai trong "Tháng Công nhân", trong đó nhấn mạnh mọi hoạt động trong "Tháng Công nhân" đều nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, trong đó tập trung hướng về cơ sở, về các địa bàn có đông công nhân, viên chức, người lao động; lấy việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là công nhân, lao động tại các cụm công nghiệp, khu chế xuất.

 

Hiện nay, lạm phát, giá cả tăng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đang gặp khó khăn nên đời sống người lao động khá chật vật…Trong bối cảnh ấy, nhiều tỉnh, thành phố các cấp, các ngành đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng lao động, giúp công nhân lao động cải thiện cuộc sống. Tỉnh Bắc Giang là một trong số địa phương như vậy. Theo ước tính, thu nhập bình quân của mỗi công nhân trong các khu, cụm công nghiệp ở Bắc Giang khoảng hơn 2 triệu đồng/người/tháng, một số công nhân ngành may có thể cao hơn. Số tiền này so với nhu cầu cuộc sống thì quả là quá khó khăn, chưa kể đến việc tích luỹ, chăm lo khi ốm đau, bệnh tật…Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã có những chính sách cụ thể hướng về công nhân lao động, giúp họ có điều kiện cải thiện đời sống.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Phương châm của chúng tôi là hướng về cơ sở, tại cơ sở và vì người lao động. Ở cấp tỉnh, chúng tôi tổ chức bốn hoạt động lớn: Thứ nhất là tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 90 công nhân bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp nữa là tổ chức tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu được công đoàn cơ sở bình chọn. Hoạt động này tổ chức từ hai năm nay và được người lao động đồng tình hưởng ứng.”

 

Công ty Cổ phần May Hà Tĩnh có gần 500 công nhân, trong đó có 2/3 là công nhân đến từ những nơi vùng sâu, vùng khó của tỉnh và ở những vùng khó khăn của các tỉnh ngoài về làm việc. Công đoàn công ty đã xây dựng chính sách, quy định về thời gian để công nhân lao động có điều kiện tái tạo sức lao động. Bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng tổ chức, Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần May Hà Tĩnh, cho biết: “Công đoàn Công ty từ lâu có truyền thống đùm bọc và tổ chức công đoàn được công nhân tin tưởng. Công nhân rất phấn khởi được hỗ trợ về tinh thần và vật chất do vậy tư tưởng của họ có một niềm tin vào tổ chức công đoàn. Hai nữa là khi có việc gì xảy ra, công đoàn đứng ra tư vấn, giải quyết họ thấy thỏa mãn và yên tâm công tác.”

 Nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp - ảnh 2
Đời sống công nhân bị ảnh hưởng do lạm phát, doanh nghiệp gặp khó khăn


Với năm chương trình lớn trong Tháng Công nhân là như Gặp gỡ và đối thoại, Giờ thứ 9, Cùng công nhân vượt khó, Đồng hành cùng doanh nghiệp và Bàn tay vàng, do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát động đến công đoàn các khu công nghiệp trên địa bàn. Các chương trình đã thu hút được hơn 3.000 công đoàn cơ sở cùng với người sử dụng lao động đăng ký và triển khai hành động cải thiện nhà ăn, chất lượng bữa ăn giữa ca. Có gần 300 đơn vị đã đăng ký xây dựng, sửa chữa nhà trọ, nhà lưu trú công nhân, 14 đơn vị đăng ký xây dựng, sửa chữa nhà giữ trẻ cho con công nhân. Đặc biệt chương trình “Trái tim nghĩa tình” hỗ trợ kinh phí cho 30 công nhân và con công nhân có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim được điều trị trong thời gian này, với chi phí khoảng 100 triệu đồng mỗi ca. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước tình hình hiện nay, một số doanh nghiệp giải thể, vấn đề này rất quan trọng, nếu giải thể thì công nhân mất việc làm. Do vậy, thứ nhất chúng tôi theo dõi sát tình hình doanh nghiệp nếu có vấn đề gì khó khăn, trong phạm vi chính quyền địa phương có thể giải quyết được thì chúng tôi cố gắng giải quyết cho doanh nghiệp để làm sao duy trì sản xuất. Có như vậy mới bảo đảm được cuộc sống của người lao động. Thứ hai, để chăm lo cho người lao động, bên cạnh chế độ tiền lương, thưởng, thì các chế độ chính sách cuộc sống như đau ốm, bệnh tật, con cái cũng được chúng tôi giải quyết thỏa đánh cho công nhân.”

 

Trong giai đoạn mới, các tổ chức Công đoàn không chỉ đóng vai trò làm "cầu nối" giữa người lao động với Đảng, Nhà nước, mà còn là người đại diện thực sự cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Để thực hiện vai trò đó, các cấp Công đoàn  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ an sinh xã hội, các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước"./.

Phản hồi

Các tin/bài khác