Câu chuyện khởi nghiệp thành công của những phụ nữ dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn

(VOV5) - Tại Bắc Kạn, hiện có hơn 10 chị là người dân tộc thiểu số đang quản lý các Hợp tác xã và hơn 20 nữ Giám đốc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại vùng cao Bắc Kạn, địa phương có mặt bằng dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, khởi nghiệp với nam giới đã khó, với phụ nữ lại càng khó hơn, nhất là với phụ nữ dân tộc thiểu số. Thế nhưng, với quyết tâm, sự sáng tạo và đức tính cần cù, những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đã tự tin vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Nhận thấy tiềm năng từ những nông sản bản địa như măng, chuối, mật ong..., năm 2015 chị Lý Thị Quyên, một phụ nữ dân tộc Dao ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã đứng ra vận động các chị em trong xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thiên An sản xuất các sản phẩm này. Tuy nhiên, giai đoạn đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm không có lại thiếu cả vốn lẫn máy móc, nên sản phẩm của HTX chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém, không tạo được sức hút trên thị trường. Thực tế này khiến HTX Thiên An đứng trước nguy cơ giải thể. Không nản chí và từ bỏ quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, năm 2019 chị Quyên quyết định chuyển hướng phát triển một số sản phẩm độc đáo hơn, đó là thuốc tắm thảo dược và các loại gối dược liệu thổ cẩm, vốn là những bài thuốc gia truyền của phụ nữ Dao dưới chân dãy núi Phja Boóc. Để phát triển sản phẩm mới, HTX mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư các loại máy cắt, sấy, đóng gói sản phẩm và mở rộng quy mô nhà xưởng. Đến nay, HTX có 3 loại thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao được người tiêu dùng đón nhận với doanh thu hàng năm hơn 1 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động nữ.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công của những phụ nữ dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn - ảnh 1Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An (bên trái) đã mạnh dạn đưa các sản phẩm thảo dược gia truyền của đồng bào dân tộc Dao ra thị trường - Ảnh: VOV

Chị Lý Thị Quyên chia sẻ: "Đối với một phụ nữ dân tộc thiểu số mà khởi nghiệp gặp rất nhiều rào cản. Cái thứ nhất là áp lực về định kiến của xã hội. Bởi vì khi bước chân vào kinh doanh thì người ta quan niệm rằng chỉ có đàn ông mới thích hợp được với công việc như thế, còn phụ nữ chân yếu tay mềm thì sẽ không thể thành công được. Thứ hai là áp lực về công việc và gia đình thì phụ nữ chúng tôi chịu áp lực rất lớn”.

Một mô hình khởi nghiệp thành công khác do phụ nữ làm chủ tại Bắc Kạn là HTX Miến dong Tài Hoan tại xã Côn Minh, huyện Na Rì. Năm 2020, HTX Miến dong Tài Hoan đã tạo ra một sự kiện kinh tế mang tính bước ngoặt cho các HTX nông nghiệp tại Việt Nam khi có tới 2 lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của vị nữ Giám đốc đầy nhiệt huyết người dân tộc Tày, chị Nguyễn Thị Hoan và những thành viên hợp tác xã mà quá nửa là phụ nữ. Từ một cơ sở sản xuất quy mô gia đình ban đầu, chị Hoan thành lập HTX Miến dong Tài Hoan và đưa sản phẩm miến dong truyền thống ở vùng đất Côn Minh lên tầm cao mới. Hiện miến dong Tài Hoan đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng lớn trong cả nước, đồng thời được ưa chuộng trên các trang thương mại điện tử.

Theo chị Hoan, để các sản phẩm đặc sản vùng cao tiếp cận thị trường, đòi hỏi nhiều quyết tâm và nỗ lực. “Tôi đã tham gia rất nhiều các lớp tập huấn do các đơn vị, sở ngành tập huấn, qua đó đã học hỏi. biết cách để đưa sản phẩm của mình lên các sàn điện tử. Công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng để sản phẩm của mình đến với khách hàng. Hiện nay, không chỉ có người trong nước mà cả ở nước ngoài qua đó cũng biết đến sản phẩm của đơn vị. Họ chỉ việc ở nhà, tìm kiếm trên mạng cũng có thể thấy và mua được sản phẩm của mình” - chị Hoan nói.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công của những phụ nữ dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn - ảnh 2Hiện nay Bắc Kạn có hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ người dân tộc thiểu số làm chủ - Ảnh: VOV

Chị Quyên, chị Hoan chỉ là hai trong số nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Kạn đã khởi nghiệp thành công và đang gánh trên vai trọng trách của một người chủ doanh nghiệp. Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, hiện có hơn 10 chị là người dân tộc thiểu số đang quản lý các Hợp tác xã và hơn 20 nữ Giám đốc các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh vật liệu, vật tư sản xuất…trên địa bàn. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu được chị em chủ doanh nghiệp lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương. Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, các chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Bà Hoàng Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, các lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp thì chị em đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chị em chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên”.

Với một tỉnh vùng cao, mặt bằng dân trí còn hạn chế như Bắc Kạn thì việc ngày càng nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số làm chủ doanh nghiệp đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ biết lo lắng việc trong bếp, dưới sàn. Họ đang chứng tỏ một cách thực tế bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác