Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

(VOV5) - Hai năm trở lại đây, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên huyện Lắk đã phát triển mạnh mẽ, xây dựng được một số sản phẩm đặc trưng.

Với tinh thần “bước qua giới hạn an toàn để chinh phục đam mê”, một số bạn trẻ ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk lựa chọn về quê khởi nghiệp, thay vì ở lại thành phố làm việc. Nhiều người trong số họ mong muốn tận dụng thế mạnh vốn có của địa phương để phát triển du lịch, nâng tầm giá trị các sản phẩm do chính người dân bản địa làm ra, từ đó góp phần phát triển quê hương.  

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk - ảnh 1Một góc Yangbrii Farmstay. Ảnh: VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cái tên Mai Hồng Cương đã trở nên quen thuộc với cộng đồng khởi nghiệp. Từ khi còn là sinh viên, anh Mai Hồng Cương đã ấp ủ tạo ra hướng đi riêng cho bản thân khi lựa chọn học song song 2 ngành là Thú y và Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Tây Nguyên. Sau khi ra trường, anh dành một vài năm đi làm, vừa để học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa tích lũy vốn để theo đuổi mơ ước khởi nghiệp tại chính quê hương mình.

Anh Cương bắt đầu khởi nghiệp với mô hình khởi nghiệp với cá thác lác, rau sạch, gạo đặc sản. Đến năm 2019, anh mở Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại Hồng Cương, liên kết với gần 30 hộ dân nuôi gà và vịt trời để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk. Có những thời điểm, số lượng gia cầm anh nuôi lên tới hàng chục nghìn con.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk - ảnh 2Anh Mai Hồng Cương. Ảnh: nongnghiep.vn

Song song với mô hình chăn nuôi đã dần đi vào ổn định, đầu năm 2021, anh Mai Hồng Cương cùng 3 cộng sự tập trung cải tạo khu đất hơn 1,2ha tại Buôn Thái, xã Bông Krang, huyện Lắk, để xây dựng Yangbrii Farmstay - mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm nông nghiệp và giáo dục. Yangbrii Farmstay tập trung phát triển theo hướng kết hợp nông nghiệp xanh và khai thác các sản phẩm sẵn có ở địa phương về thắng cảnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc tại chỗ. Anh Mai Hồng Cương chia sẻ: “Tôi luôn luôn tìm kiếm các sản phẩm mới, hướng đến xu hướng của sự phát triển, đóng góp xây dựng với cộng đồng, xã hội, tăng cường liên kết để các đơn vị cùng có lợi, người dân được hưởng lợi. Tăng cường sự liên kết với các đơn vị khác như lữ hành, giáo dục, các đơn vị bán hàng, sản xuất, như vậy sẽ tạo ra một hiệu ứng tốt hơn, xây dựng các mô hình du lịch sao cho phù hợp, các sản phẩm du lịch mới, độc đáo”.

Theo anh Đỗ Duy Tân, cộng sự trong nhóm của anh Mai Hồng Cương, cũng là đầu bếp của Yangbrii Farmstay, hướng đi của Farm chú trọng khai thác các món ăn đậm chất Tây Nguyên và trải nghiệm du lịch xanh: “Gặp các anh em ở đây có cùng chí hướng phát triển du lịch, ẩm thực, văn hóa cộng đồng, đưa đến cho mọi người ở các tỉnh khác, thậm chí là khách nước ngoài họ đến văn hóa ẩm thực của người Tây Nguyên. Hiện tại mình không chỉ làm về mảng bếp mà còn đang xây dựng chuồng trại nuôi heo đồng bào hay những cây trồng giống bản địa để tạo ra những nguyên liệu có sẵn. Khách đến đây có thể vừa ăn, vừa tham quan, thậm chí có thể trải nghiệm bắt gà, hái rau ngoài vườn, sau đó chế biến và ăn luôn”.

Anh Phạm Ngọc Thắng, Phó Bí thư Huyện đoàn Lắk, cho biết ngoài mô hình Farmstay của nhóm anh Mai Hồng Cương, 2 năm trở lại đây, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên địa phương đã phát triển mạnh mẽ, xây dựng được một số sản phẩm đặc trưng. Trong lĩnh vực du lịch, tận dụng lợi thế địa phương có nhiều điểm đến về du lịch, bản sắc văn hóa phong phú, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trải nghiệm leo núi, ăn uống nghỉ dưỡng, khám phá tìm hiểu văn hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp - chế biến, các sản phẩm khởi nghiệp như: gốm đất nung Yang Tao, cá bống, gạo Đài Thơm 8, gạo Lứt tím thảo dược cũng được cải thiện về mẫu mã, bao bì sản phẩm và dần tìm được chỗ đứng trên thị trường: “Tuy các mô hình còn ở những bước đầu triển khai nhưng là tín hiệu tích cực thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong phát triển kinh tế của lực lượng trẻ. Qua các kênh của huyện, của tỉnh, khi có các hội nghị xúc tiến đầu tư, các ngày hội thanh niên khởi nghiệp cũng mời các bạn đoàn viên thanh niên khởi nghiệp của địa phương tham gia trưng bày sản phẩm. Và một số cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi cũng khuyến khích các bạn làm đề án đăng ký tham gia thi để có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, qua đó, sản phẩm của các bạn có thể tiếp cận được nhiều người hơn”. 

Dù còn sơ khai nhưng các mô hình khởi nghiệp ở huyện nghèo Lắk đang dần định hình, nhiều người trẻ đã mạnh dạn “bước qua giới hạn an toàn” để khởi nghiệp với nhiều sản phẩm địa phương có tiềm năng. Điều này không chỉ giúp phong trào khởi nghiệp của thanh niên địa phương ngày càng khởi sắc mà còn góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác