“CAT” là gì? “Thái Tiên” là ai?

(VOV5)- Từ 1/2/1948, Đài Quốc gia phát đi từ Khuôn Cướm (Tuyên Quang) lấy mật danh là CAT. Thời ấy bí mật là hàng đầu, nên lệnh ban ra chỉ biết thi hành...

Bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam hơn tôi hai giáp, nhưng vẫn xưng chị và gọi tôi bằng em hay cậu. Bà cười hiền và bảo: “Cậu là nhà sưu tầm chuyện đời xưa của Nhà Đài”. Được thể, những lúc rảnh rỗi tôi tranh thủ hỏi bà nhiều chuyện, hầu hết là chuyện “bếp núc” nhà Đài thuở mới dựng. Có điều gì chưa đúng, ông Nguyễn Văn Nhất, chồng của bà, nguyên Phó Tổng biên tập Đài TNVN bị liệt nửa người nằm trên giường đính chính ngay. Thành ra câu chuyện trở nên xôm.

Bất chợt bà hỏi tôi: “Cậu có biết “CAT” là gì không? Không hả? Vậy Thái Tiên là ai? Không nốt hả? Vậy thì hôm khác nghe tiếp nhé”. Bà nói nhanh, đi nhanh. Tôi chợt nhận ra là đã vi phạm giờ nấu cơm của bà.

Bà Dương Thị Ngân kể lại: Ngày 31/1/1948, Đài Tiếng nói Nam Bộ chấm dứt nhiệm vụ phát sóng thay Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ 1/2/1948, Đài Quốc gia phát đi từ Khuôn Cướm (Tuyên Quang) lấy mật danh là CAT. Thời ấy bí mật là hàng đầu, nên lệnh ban ra chỉ biết thi hành, không được hỏi lại vì sao? Như thế nào? Cái gì? Từ CAT ngoài chuyển vào CAT trong ở Khuôn Tắc, một bản cũ của người Dao bỏ đi từ lâu, khá sâu, hiểm trở. Từ đây chuyển đi nơi khác, người nhà Đài cũng chỉ biết CAT và CAT .

“CAT” là gì? “Thái Tiên” là ai? - ảnh 1
Bác Hồ với các nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Sau này mới hé lộ là trong những ngày ở đây gian nan lắm. Đói, rét, sốt rét rừng hoành hành, ai cũng mặt xanh nanh vàng. Ông Lê Quý vừa phụ trách tuyên truyền đối ngoại, vừa trực tiếp biên tập Tiếng Pháp, vừa làm y tá. Ông mạnh dạn và khéo léo tiêm thẳng thuốc chống sốt rét vào tĩnh mạch nên đẩy lùi được sốt rét ác tính. Để động viên tinh thần  anh chị em trong đơn vị, lãnh đạo đặt mật danh CAT là viết tắt Các Anh Tài. Bà Ngân cười mà mắt rân rấn: “Ôi chao, Các Anh Tài ra khỏi Khuôn Cướm, Khuôn Tắc mà gối run, mắt vàng, cười méo mó, trông chẳng Anh Tài tẹo nào”.

Trong đoàn quân ấy có một Anh Tài đi sau cùng khư khư ôm chiếc đàn banjo cũ kỹ. Đó là Doãn Phú, anh thợ nguội chính cống, nhưng vào Đài làm công nhân kỹ thuật bá âm, kiêm nhạc công tay ngang. Chả là khi chạy giặc đến Tuyên Quang, nhà Đài có mỗi máy ghi âm lại hỏng, đĩa nhạc mất gần hết, cái còn thì trầy xước, không dùng được. Vậy là từ đấy, Tổng Biên tập Trần Lâm huy động tất cả cán bộ, nhân viên từ thủ trưởng đến chị cấp dưỡng tập hát để mỗi lần mở đầu chương trình phát thanh tất thảy đứng trước micro hát bài hát hiệu “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi.

Doãn Phú thường ngày đệm đàn banjo cho mọi người tập hát, hoặc hát cho vui cửa, vui nhà, rộn rã núi rừng, chứ bây giờ đàn hát cho cả nước nghe, nhỡ lạc điệu, lạc giọng thì nguy to, ai gánh trách nhiệm đây. Thấy anh thợ nguội kiêm banjo gầy nhom, lừng khừng, thủ trưởng Trần Lâm động viên: “Cứ đánh đi. Người ta cười thì cười tôi, chứ có cười cậu đâu.” Bà Ngân không nhịn được cười: “Cha mẹ ơi, bài hát hiệu thì nghiêm chỉnh, hùng tráng mà nhìn đội hình hát thì bật cười lắm. Đời thuở nhà ai, thủ trưởng Trần Lâm nghiêm khắc là thế mà khi hát vừa xốc quần, vừa đánh mông, nghiêng bên nọ, ngả bên kia để lấy đà, Nguyễn Văn Nhất thì mỗi nhịp là một lần vung tay, gạt cả ngực, chém cổ người bên cạnh,  Lê Quý thì nhiệt tình, hào hứng, Trần Sinh chuyên uốn lưỡi, lý nhí, đưa đẩy hát theo, còn chị thì không nhịn được, quay mặt vào lưng chị Trần Thị Ý để khỏi cười thành tiếng. Nhìn Doãn Phú căng thẳng với cây đàn banjo cà khổ cầm chịch mà thương. Cười mà chảy nước mắt”.

Ấy thế nhưng đã là Đài phát thanh ắt phải có chương trình ca nhạc. Ca sỹ nghiệp dư, nhạc cụ ngoài chiếc banjo cà rỉ của Doãn Phú còn có kèn acmonica của Lê Quý và mấy thùng sắt tây hoen rỉ làm bộ gõ. Vậy mà ngày nào cũng có chương trình “ca nhạc sống” mươi, mười lăm phút trên sóng. Dần dà thính giả nghe quen, gửi lời khen ngợi và nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp, nổi tiếng và cả nghiệp dư gửi nhạc phẩm về Đài.

“Thái Tiên” là ai?

Nghe mãi đồng ca cũng chán, anh chị em nảy ra sáng kiến phải có giọng ca nữ để tăng thêm phần hấp dẫn, phong phú. Bà Ngân hạ giọng: “Thật là xấu hổ, mang tiếng là con gái mà lục mãi trong đám chị em nhà Đài chả ai hát ra hồn cả. Thế là đành động viên Doãn Phú hát giọng kim giả nữ. Anh chàng thợ nguội bẽn lẽn: hát miết rồi thành đàn bà thì không lấy được vợ à? Nói vậy, nhưng Doãn Phú vẫn hát và nghe được, giống tiếng con gái vỡ thì lắm.”

Hồi ấy, sóng yếu, nghe  qua loa bị méo tiếng nên không ai nhận ra giọng giả gái. Được thể, anh chị em đặt tên cho Doãn Phú hát giọng nữ là Thái Tiên. Cứ mỗi lần giới thiệu Thái Tiên lên sóng, nhìn bộ dạng cứng còng của anh chàng thợ nguội ai cũng bụm miệng cười. Bài đầu tiên “nữ ca sỹ” Thái Tiên hát trên sóng là “Tiếng hát quay tơ” của Tư Phác nói về tình cảm sâu nặng của người con gái hậu phương gửi gắm cho người yêu ở ngoài mặt trận.

Những bài “Sông Lô” của Văn Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận do Thái Tiên lĩnh xướng giọng nữ êm đềm, lúc cao trào cũng cao vút khiến tốp nữ tự tin hát theo. Gặp nhiều đoạn chị em chưa thuộc ê a lướt qua, Thái Tiên phải gồng mình lấp chỗ trống cùng tiếng đàn banjo hết công suất.

May thay cho Thái Tiên – Doãn Phú, đến cuối năm 1949, Đài được bổ sung thêm một số nhạc sỹ, ca sỹ như Thương Huyền, Mai Khanh, Trần Thụ với cây ghita, Đỗ  Lạc với chiếc phong cầm cũ kỹ, Đỗ Nhự từ trường Thiếu sinh quân chuyển sang làm diễn viên đơn ca. Nghệ sỹ Thương Huyền nổi tiếng từng hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày đầu thành lập.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chị theo gia đình đi tản cư. Đài đã cử người lặn lội đến tận nhà mời nghệ sỹ lên chiến khu Việt Bắc phục vụ làn sóng phát thanh Quốc gia. Đã là nghệ sỹ thành danh mà phải hát chay không có nhạc đệm thì thật là hụt hẫng. Thương Huyền vô cùng lo lắng. May sao có anh thợ nguội Doãn Phú đệm đàn banjo khá tâm đầu ý hợp nên Thương Huyền bớt lo, hát hết mình cho làn sóng.

Từ ngày có giọng ca nữ nổi tiếng Thương Huyền, ca sỹ Thái Tiên chấm dứt vai đóng thế. Thính giả gửi thư về càng mê giọng hát Thương Huyền bao nhiêu thì chị quý mến người đệm đàn Doãn Phú bấy nhiêu. Đàn hát xoắn xuýt, tình thêm bền chặt, họ nên duyên chồng vợ. Doãn Phú – Thương Huyền là một trong bốn đôi được cơ quan tổ chức đám cưới tại Bản Đung, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tôi biết anh Doãn Phú từ cuối xuân 1976, khi anh kiêm công tác tổ chức  Đảng của Đảng bộ  Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh gọi tôi lên văn phòng Đảng ủy để kiểm tra trước khi kết nạp Đảng. Anh cao ráo, trắng trẻo, có nụ cười hiền, nhưng kiên quyết. Anh đề nghị tôi viết lại đơn “Xin vào Đảng”. Một là thiếu chữ “Xin”, hai là ngắn quá, không nói rõ quán triệt chủ trương đường lối, tôn chỉ mục đích của Đảng.

Tôi trả lời: một là bản thân tự nguyện gia nhập Đảng khi đã tán thành điều lệ, Chi bộ thấy đủ tư cách, tiêu chuẩn thì kết nạp, sao phải xin? Hai là tôi vào Đảng vì quê tôi là làng Thượng Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương  đầu tiên của huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị, vì Cha tôi là đảng viên đã hy sinh vì kháng chiến. Tôi không thể sống khác, làm khác với quê hương với Cha tôi. Tôi chờ câu hỏi tiếp, hay một lời trách mắng, nhưng anh Doãn Phú lặng đi hồi lâu, không nói thêm câu gì.

Ra về, tôi băn khoăn mãi: có phải mình thẳng quá không? Mình đã chín chưa? Rõ ràng khi anh Doãn Phú hỏi “anh nghĩ kỹ chưa?” tôi trả lời rành rọt là đã suy nghĩ kỹ càng rồi kia mà. Năm ấy, tôi mới 30 tuổi.

19/5 năm ấy, tôi đứng trong hàng ngũ của Đảng, thuộc lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Từ đấy, anh Doãn Phú thường hay trò chuyện với tôi, góp ý, uốn nắn cho tôi những gì còn sơ suất. Anh bảo: “Cậu thẳng tính, sống thật mình là được, giống tớ thời ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng sống thật với lòng mình là khó lắm đấy chú em ạ.”

Khi nghỉ hưu, rảnh rỗi hơn, anh thường kể chuyện ngày xưa nơi  “thủ đô gió ngàn”. Buột mồm, tôi nhắc lại câu nói vui của bà Dương Thị Ngân: “Việt Bắc có chuyện lạ đời, chị Thái Tiên lấy nữ ca sỹ Thương Huyền, cũng sinh con đẻ cái đề huề như ai.” Anh Doãn Phú đỏ bừng mặt: “Chuyện xưa rồi, nhắc lại, ngượng chết.”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác