(VOV5) - 40 năm đã qua, sự cống hiến của các chuyên gia Đài Tiếng nói Việt Nam góp phần tạo nền tảng cơ bản trong sự phát triển của phát thanh Campuchia.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 1979, sau khi thoát khỏi họa diệt chủng Pol pot Ieng Sary, Chính phủ Campuchia đề nghị Việt Nam giúp đỡ khôi phục Đài phát thanh Phnom penh.
Dù vừa đi qua mấy chục năm chiến tranh, kinh tế còn khó khăn nhưng khi có đề nghị trợ giúp từ phía bạn, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy đã cử ngay một đoàn chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia biên tập, sản xuất các chương trình phát thanh sang giúp khôi phục lại Đài phát thanh của bạn.
Lễ trao tặng Huân chương của Chính phủ Hoàng gia CPC cho cán bộ và cựu chuyên gia của Đài TNVN tại CPC tháng 12/2017. -Ảnh: Hương Giang |
40 năm trước, đoàn chuyên gia kỹ thuật đầu tiên được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cử sang giúp Đài Phát thanh Campuchia do ông Huỳnh Ngọc Ấn làm Trưởng đoàn. Khi tới Campuchia, đoàn chuyên gia phải nghiên cứu hệ thống cơ sở vật chất của đài phát thanh của bạn vì công nghệ kỹ thuật phát sóng khác với hệ thống mà Đài Tiếng nói Việt Nam đang sử dụng.
Ông Đào Tiến Ngỏ, một thành viên trong đoàn, cho biết các thành viên phải làm việc suốt ngày đêm để tìm hiểu hệ thống quy trình phát thanh của Đài phát thanh Phnom penh, hệ thống máy phát sóng, kỹ thuật hòa âm...Sau đó mới bắt đầu đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Đài bạn. Công việc tưởng như đơn giản nhưng lại rất khó khăn.
Ông Đào Tiến Ngỏ nhớ lại: "Ngày xưa công nghệ analog thì phải cầm tay chỉ việc. Chúng tôi chưa bao giờ nói tiếng Campuchia và bạn lại không hiểu được tiếng Việt nên việc tuyên truyền kỹ thuật làm sao họ hiểu được quy trình công nghệ và quy trình phát thanh thì cực kỳ khó khăn. Cho nên trong đoàn chúng tôi có một số người biết tiếng Anh thì dùng tiếng Anh để nói chuyện. Sau một thời gian kiên trì luyện tập và hướng dẫn, chúng tôi đã huấn luyện bạn làm được tốt công việc ấy."
Ngoài phát thanh trên sóng, nhóm chuyên gia của Đài Tiếng nói Việt Nam còn thiết lập giúp Đài phát thanh Campuchia hệ thống phát thanh hữu tuyến (hay còn gọi là hệ thống loa truyền thanh) ở thủ đô Phnompenh.
Không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các chuyên gia phải kéo từng từng chiếc dây, lắp từng chiếc loa trên mọi con phố để tiếng nói của Đảng, Chính phủ và nhân dân Campuchia có thể vang lên ở mọi nơi.
Nhà báo Nguyễn Thùy Minh (tiếng Thái Lan) và nhà báo Nguyễn Thị Huệ (tiếng Anh) trong những ngày công tác giúp Đài phát thanh Campuchia. |
Cùng với nhóm chuyên gia kỹ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cử đoàn chuyên gia khối biên tập sang giúp bạn tổ chức chương trình phát thanh, đào tạo đội ngũ biên tập. Từ những ngày đầu tiên gian khổ, đêm ngủ vẫn còn lo tàn quân Pol Pot phục kích sau vườn, cho đến những ngày cuối cùng ở Campuchia giúp bạn, cuộc sống của phóng viên, kỹ thuật viên Đài TNVN khi ấy đã trải qua nhiều thăng trầm.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, lúc đó là biên tập viên tiếng Pháp của Ban Biên tập Đối ngoại được Đài Tiếng nói Việt Nam cử sang làm chuyên gia từ năm 1980 đến năm 1984, nhớ lại: "Sang Campuchia được mấy tháng, chúng tôi ở nhà tổng đoàn. Nửa đêm, anh em đang ngủ, tự nhiên súng bắn ào ào. Mọi người hô hào nhau nằm rạp xuống sàn, tránh cửa sổ."
Công việc của nhóm chuyên gia khối biên tập gồm tổ chức sản xuất các chương trình phát thanh đối ngoại phát trên sóng Đài Phát thanh Campuchia, sau đó dịch sang các thứ tiếng gồm tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Thái Lan, tiếng Việt và phát sóng hàng ngày.
Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Campuchia đã có đội ngũ biên tập đủ sức đảm đương công việc của các thứ ngữ Anh, Pháp, Thái, Lào và tiếng Việt. Biên tập viên Nguyễn Văn Khiêm kể lại: "Chúng tôi giúp bạn biên tập chương trình, lên chương trình, dàn dựng chương trình, giúp công tác thu thanh. Ngoài những công việc chuyên môn ấy thì chúng tôi cũng giúp về mặt tư tưởng để làm sao để duy trì được đội ngũ, phục vụ cho Đài được tốt về chuyên môn về báo chí."
Sự giúp đỡ vô tư của các chuyên gia, cán bộ Đài tiếng nói Việt Nam đối với Đài phát thanh Campuchia nói riêng và với công tác thông tin truyền thông của Campuchia nói chung đã được Bộ trưởng Bộ thông tin Campuchia H.E Khieu Kanharith đánh giá rõ nét trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12 năm 2018: "Công tác thông tin của Campuchia hoạt động hiệu quả như hiện nay là có sự giúp đỡ rất nhiều của Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn 2 bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, có những cơ hội giao lưu, trao đổi trong thời gian tới giữa những người làm phát thanh 2 nước. Một số Đài phát thanh các thỉnh, thành phố của Campuchia rất mong muốn hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ phía Việt Nam." - Bộ trưởng nói.
40 năm đã qua, sự cống hiến của các chuyên gia gồm cả kỹ thuật và biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam góp phần tạo nền tảng cơ bản trong sự phát triển của phát thanh Campuchia. Những cống hiến này góp phần tô thắm những nét son rực rỡ của mối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.