30 năm tái lập - Những đổi thay trên vùng đất Ninh Thuận

(VOV5) - Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác.

Ngày 01/04/1992, trở thành mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Ninh Thuận. Ngày này đánh dấu tỉnh Ninh Thuận được tái lập với 4 huyện thị, gồm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước. Sau 30 năm tái lập, tỉnh Ninh Thuận đã có bước chuyển mình ngoạn mục, góp mặt vào nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất cả nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 1992, khi mới tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh Ninh Thuận còn nhiều hạn chế, hệ thống đường địa phương chỉ đi qua khu vực trung tâm tỉnh, thị trấn với chất lượng đường xấu, các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị chia cắt, việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thô sơ. Do đó, hoạt động giao thương ngay trong tỉnh bị hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
30 năm tái lập - Những đổi thay trên vùng đất Ninh Thuận - ảnh 1Quần thể Quảng trường - Tượng Đài - Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Duy

Tuy nhiên, sau 30 năm tái lập, mạng lưới giao thông của Ninh Thuận đã từng bước được xây dựng theo quy hoạch, tạo thành một hệ thống liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến các đường liên xã, trung tâm xã, tạo sự gắn kết giữa các vùng, miền với nhau. Từ đó, việc giao lưu giữa tỉnh Ninh Thuận với các địa phương khác trở nên thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, qua đó góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đáng chú ý, giai đoạn 2011 - 2020 là chặng đường Ninh Thuận phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững. 3 năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết:        "Tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội. Với trọng tâm là công tác quy hoạch, tỉnh đã xây dựng, hoàn thành các quy hoạch đất giai đoạn 2021 – 2030. Đây là cơ sở để triển khai các công trình, dự án trọng điểm lớn của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời là cơ sở để mời gọi, thu hút các dự án đầu tư.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư đồng bộ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông cảng biển, hạ tầng các khu cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm bảo công khai minh bạch tạo thuận lợi nhanh nhất cho các nhà đầu tư.

30 năm tái lập - Những đổi thay trên vùng đất Ninh Thuận - ảnh 2Cánh đồng điện gió Đầm Nại nhìn từ trên cao. Ảnh: Thúc Trình

Những thay đổi của Ninh Thuận có thể nhìn thấy và cảm nhận rõ đó là những cánh đồng điện gió điện mặt trời thay cho những triền đổi khô cằn, hoang hóa. Ít có tỉnh nào trong cả nước có được số lượng dự án về năng lượng tái tạo nhiều và thời gian đầu tư nhanh như Ninh Thuận. Chỉ tính riêng năm 2020 và 2021, toàn tỉnh có 49 dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo với quy mô công suất 3055 MW, trong đó có 43 dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Ông Đào Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Để phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt quy mô công suất khoảng 6500 MW và đến năm 2030, công suất tích lũy đạt 11800 MW. Để đạt được chỉ tiêu này, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tập trung cho vấn đề nguồn năng lượng tái tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như vấn đề đầu tư hạ tầng, xã hội hóa hạ tầng truyền tải. 

Với lợi thế đường bờ biển dài 105km, Ninh Thuận ngày nay trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây có những khu nghỉ dưỡng hạng sang đẳng cấp quốc tế, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; vịnh Vĩnh Hy là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam…

Cùng với đó là một nền nghệ thuật văn hóa dân tộc Chăm vô cùng đặc sắc. Ninh Thuận đã và đang triệt để khai thác những lợi thế này để biến vùng đất của xương rồng cát trắng dần trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư vào tiến hành các dự án du lịch đẳng cấp cao. Chính những cơ chế chính sách đặc thù mà tỉnh ban hành trong thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh. Ví dụ như tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư Amanoi xây dựng 1 trong 10 khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới. Đây là minh chứng rõ nhất cho những chính sách mà tỉnh đã ban hành trong thời gian qua. Thời gian tới, với tinh thần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tỉnh tiếp tục ban hành những chính sách rất cụ thể về năng lượng, năng lượng tái tạo, về du lịch, về nông nghiệp công nghệ cao và cả những lĩnh vực đô thị mới như đô thị du lịch và đô thị nghỉ dưỡng."

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra slogan là “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị đặc biệt”. Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước; là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao. Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, là một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững. Những thành công sau 30 năm tái lập chính là tiền đề vững chắc để tỉnh Ninh Thuận đạt được những mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác