Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn, ngành công nghiệp nền tảng, và sẽ là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Việc nắm giữ công nghệ này chính là cánh cửa bước ra với thế giới công nghệ rộng lớn và cũng là bước nhảy vọt để Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, xa hơn.
"Hiện tại, em đang theo học thiết kế vi mạch tại Trường UIT (Trường Đại học công nghệ thông tin), tương lai sẽ là kỹ sư vi mạch. Hiện tại ngành này chưa phổ biến nhưng trong tương lai, ngành này sẽ phát triển và mọi người biết đến nhiều hơn.
Chip bán dẫn ở Việt Nam khá tiềm năng bởi vì các nước phát triển trên thế giới đều nắm giữ công nghệ bán dẫn, như Mỹ, Trung Quốc. Việt Nam là nước đang phát triển. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam để tìm hiểu việc hợp tác sản xuất chip bán dẫn. Tôi thấy nghề này khá tiềm năng và là cơ hội cho các sinh viên theo học ngành này và đây sẽ là ngành nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 620 tỷ USD.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Sự thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là giá đỡ cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời đại số. Không còn là mong muốn, mà tại Việt Nam, đã có những tập đoàn bước chân vào lĩnh vực thiết kế vi mạch và ghi được dấu ấn quan trọng.
Lần đầu tiên và duy nhất cho tới giờ, tại Việt Nam, một dòng chip cao cấp và phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G được thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Viettel. Đó là dòng Chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây. Việc kỹ sư Việt Nam làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip cao cấp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường thế giới chưa thương mại hoá dòng chip 5G. Hiện, trên thế giới, chỉ có 5 - 6 nước nắm công nghệ làm chip 5G và chưa thương mại hoá.
Tiến sĩ Lê Thái Hà, Kỹ sư trưởng công nghệ, Trung tâm vi mạch Viettel Hightech, nhận định: Đây là những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong thiết kế chip. Chúng tôi đã được hỗ trợ của Synopsys, cử đội ngũ kỹ sư sang R&D Center ở Bỉ. Qua trao đổi với những kỹ sư nắm giữ công nghệ lõi đó, chúng tôi hiểu rằng kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tới đẳng cấp đấy.
Việc thiết kế thành công chip 5G, trái tim của hệ thống 5G, không chỉ chứng minh người Việt Nam làm được, mà quan trọng hơn là đặt nền móng cho những bước đi tiếp theo.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á, cho rằng: "Việc đầu tư cho các start-up cũng như đầu tư cho các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam vẫn rất ít. Nhưng biết hợp tác với những người đứng đầu thế giới để làm ra những con chip có thể cạnh tranh sòng phẳng với những con chip đứng đầu thế giới thì đây là một điều chúng tôi rất tự hào. Synopsys cũng đang cố gắng thuyết phục các khách hàng lớn ở trên thế giới, để giới thiệu với họ những năng lực thiết kế chip của các công ty Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ chứng tỏ được năng lực của mình."
Chip 5G DFE là một ví dụ cho thành tựu mới nhất của Việt Nam trong làm chủ được những sản phẩm chip cao cấp mà chỉ có ít nước trên thế giới làm được. Nó giúp đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn
Không chỉ thiết kế vi mạch bán dẫn, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Những dự án từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD đang được các ông lớn ngành bán dẫn đầu tư vào Việt Nam. Nhà máy bán dẫn quy mô 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor Technology chính thức khánh thành tại Bắc Ninh hôm 11/10, một trong những tập đoàn dẫn đầu của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn.
Buổi lễ của Amkor diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Công ty TNHH Hana Micron Vina (công ty con của tập đoàn Hana Micron, Hàn Quốc) khánh thành Nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc trị giá gần 600 triệu USD.
Trước đó, hồi tháng 5, tập đoàn công nghệ Marvell (Mỹ) cũng công bố thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh, đưa Marvell Việt Nam trở thành 1 trong 4 trung tâm nghiên cứu phát triển mang tầm thế giới (cùng với trung tâm tại Ấn Độ, Hoa Kỳ và Israel).
Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi được sự hỗ trợ rất tốt từ Chính phủ. Về mặt công nghệ, chúng ta đang có những công nghệ tối tân nhất. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một cơ hội vàng và làm sao Việt Nam có thể từ cơ hội này phát triển ngành công nghiệp vi mạch lên mức cao hơn."
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các ông lớn trong ngành bán dẫn đã cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Ông Hong - Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết:
"Bây giờ hầu như tất cả 10 sản phẩm là đi cùng với chip. Việc Chính phủ Việt Nam thu hút được một số nhà máy sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng phát triển ở các bước tiếp theo là hết sức sáng sủa."
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhìn nhận: "Việt Nam đã bắt đầu dần dần hình thành hệ sinh thái của sản xuất chip. Một số tập đoàn đầu tư sản xuất tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất. Điều này chứng tỏ rằng họ đã đi bước đi rất chắc chắn, từ bước thử đầu tiên thấy ổn định, tốt rồi, họ bắt đầu mở rộng. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy khả năng sắp tới rằng các doanh nghiệp còn đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực này."
Những khoản đầu tư là minh chứng cho vai trò ngày càng tăng của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam ghi dấu ấn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Ảnh: MPI |
Sự sẵn sàng của Việt Nam
Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động cụ thể xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định về sự sẵn sàng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
PV: Thưa ông, cơ quan chức năng đã nhận diện được những lợi thế thực tế của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn như thế nào?
Ông Thiện Nghĩa: "Chiến lược bán dẫn của các quốc gia, như: Mỹ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản đều muốn đưa các hoạt động sản xuất về đất nước mình để chủ động trong chuỗi cung ứng. Chúng ta phải ý thức được việc khi Việt Nam cũng muốn tham gia sinh thái này thì phải liên kết với hệ sinh thái 1 quốc gia gần tương đồng về mặt quan điểm, cũng như có những cơ hội thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi nghĩ cơ hội Việt Nam rất tốt vì Việt Nam có chính sách ngoại giao độc lập, không phụ thuộc và chúng ta mở đối với các đối tác trong khu vực."
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: nhandan.vn |
PV: Để Việt Nam có thể in dấu đậm hơn trong hệ sinh thái bản dẫn toàn cầu cần có một lộ trình bài bản, thưa ông?
Ông Thiện Nghĩa: "Về mặt tổng thể, tôi nghĩ Việt Nam cần có chiến lược song hành. Thứ nhất là vẫn tiếp tục thu hút các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam mở rộng sản xuất kinh doanh, giúp Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của khu vực về công nghiệp, đồng thời chúng ta cần có chính sách để phát triển năng lực trong nước. Một trong những cái thiếu của các trường hàng đầu Việt Nam là một hệ thống phòng thí nghiệm hoàn chỉnh để giúp cho sinh viên ra trường là đã làm ngay được một sản phẩm vi mạch. Ngoài ra, Chúng ta phải liên kết với các trung tâm sản xuất và các phòng thí nghiệm trên thế giới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Startup về vi mạch có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất."
PV: Các quốc gia trong khu vực đang có những ưu đãi khá đặc biệt trong ngành công nghiệp bán dẫn, vậy, Việt Nam có những chính sách gì để khuyến khích được các doanh nghiệp?.
Ông Thiện Nghĩa: Tôi nghĩ chính sách ưu đãi của Việt Nam là cũng khá ưu việt so với các nước khác, so sánh với các nước khác chắc cũng ít nhất 7 /10, như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn linh kiện nhập khẩu, miễn thuế giá trị gia tăng... Đây là những chính sách mà tôi nghĩ là lý do tại sao các công ty FDI trong lĩnh vực điện tử đã đầu tư Việt Nam rất nhiều trong thời gian qua.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông Nguyễn Thiện Nghĩa,
Con số trên 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn cho thấy những triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Sau đây là những chia sẻ của các chuyên gia chia sẻ về tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn Việt Nam:
- Thật thú vị khi ngành này có sự quan tâm của cấp cao nhất trong chính phủ Việt Nam. Việc có được sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của chính phủ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, giúp đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trong ngành bán dẫn. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Việt Nam đang xây dựng chiến lược bán dẫn Việt Nam. Và tôi biết có rất nhiều gói chính sách ưu đãi đầu tư cho ngành này đang được áp dụng." -Việt Nam là một quốc gia thu nhập trung bình, đang phát triển cần có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp. Tôi nghĩ tập trung phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược của VN. VN nên đầu tư vào đào tạo các tài năng trẻ trở thành những nhà thiết kế vi mạch chuyên nghiệp, từ đó phát triển ngành thiết kế vi mạch cho chính VN. Tôi tin rằng nó sẽ tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho kinh tế VN trong 5-10 năm tới.
Để đón đầu cơ hội có một không hai trong ngành công nghiệp bán dẫn thì nhân lực là rất quan trọng. Việt Nam đã có sự chuẩn bị tổng lực cho vấn đề này.
Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Tiếp đó, tại phiên họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50 đến 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030."
Trong khi đó, nhiều trường đại học của Việt Nam đã tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch.
- "ĐHQGHN đã có 1 đội ngũ nhiều chuyên gia và có kinh nghiệm triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch, từ các khâu thiết kế, chế tạo và cả các vật liệu bán dẫn, đo kiểm và ứng dụng. Hiện nay, ĐHQGHN cũng có số lượng lớn sinh viên học tập trong lĩnh vực về kỹ thuật, công nghệ, cũng như là khoa học cơ bản liên quan đến vi mạch bán dẫn".
-"Cơ hội của Việt Nam đang đến rồi và mình phải nắm bắt cơ hội này. Vậy thì cách làm của đại học FPT là kết hợp với các trường lớn trên thế giới để đưa chương trình giảng dạy của họ về Việt Nam để giảng dạy, tập trung vào các công ty giống như Amkor…để có thể cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty đó ở Việt Nam ngay lập tức. Cũng sẽ có những chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, chương trình nâng cao.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hoàng Minh Sơn |
Đánh giá về sự chủ động của các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Có một sự dịch chuyển rất lớn về địa điểm đầu tư và nhu cầu tăng vọt về nhân lực, đặc biệt trong thiết kế vi mạch. Các trường đại học cũng đã nhìn thấy sự chuyển dịch này và đã có kế hoạch đẩy mạnh, mở rộng số lượng. Chúng tôi sẽ có kế hoạch để nâng cao năng lực của các trường đại học, phát triển đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Với cách tiếp cận tổng lực, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu nhân lực trong vài ba năm tới và đến năm 2030."
Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. Báo qdnd |
Công nghiệp vi mạch bán dẫn là một ngành công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Với việc chủ động, bài bản trong đào tạo nhân lực, hy vọng Việt Nam sẽ nắm bắt thành công cơ hội để phát triển.
Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. Việc xác định hướng đi này đã khẳng bản lĩnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, bắt kịp xu hướng thế giới, tạo điều kiện cho Việt Nam xác lập vị thế mới trên bản đồ vi mạch bán dẫn toàn cầu.