(VOV5) - Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Antonio Guterres, nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm và công bằng, AI có thể tạo ra đột phá trong con đường phát triển của các quốc gia.
Trong năm nay, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Cùng với tiềm năng ứng dụng vô cùng rộng lớn trong đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia, AI cũng tạo ra các rủi ro cao về an ninh, an toàn, buộc các quốc gia và tổ chức quốc tế phải gấp rút tìm kiếm biện pháp kiểm soát.
Trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa: CCO |
Hôm 1/11, từ AI, viết tắt của trí tuệ nhân tạo, được nhà xuất bản từ điển danh tiếng Collins (Anh) chọn là từ khóa của năm nay. Giải thích cho lựa chọn này, các chuyên gia ngôn ngữ của Collins cho biết thuật ngữ công nghệ này đã "gia tăng mức độ phủ sóng nhanh chóng", đồng thời trở thành "chủ đề thảo luận chính của năm", với bằng chứng thuyết phục nhất là mức độ sử dụng từ AI đã tăng gấp 4 lần trong năm qua.
Tiềm năng ứng dụng to lớn của AI
Sự ra đời và tạo cơn sốt toàn cầu đầu năm nay của ChatGPT, phần mềm AI tạo sinh của công ty OpenAI, được xem là cột mốc thay đổi nhận thức của nhiều người về AI bởi ChatGPT cùng những đối thủ cạnh tranh, như: Gemini của Google DeepMind hay Grok AI của tỷ phú Elon Musk, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên AI hóa tri thức. Đây không còn là những ứng dụng công nghệ phục vụ một cách bị động yêu cầu của người dùng mà đã tiến hóa đến một cấp độ cao hơn, đó là bắt đầu có các “tư duy sơ cấp” chủ động, có khả năng liên kết siêu dữ liệu, tự phát triển nhận thức và tiến hoá thông qua tương tác với chính người dùng.
Thế hệ AI tạo sinh mới và các công nghệ AI đa nhiệm tiên tiến (AI frontier) đang tạo ra tiềm năng ứng dụng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Có thể kể đến một số ví dụ điển hình, như: tại Malaysia, AI được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc trợ giúp người nông dân lập bản đồ dữ liệu canh tác, theo dõi năng suất cây trồng; tại Israel, giới tài chính sử dụng AI trong việc thiết lập các mô hình dự báo; tại Thái Lan, các quan chức chính quyền sử dụng AI để kiểm tra các khoản thanh toán thuế, giám sát giao dịch của người đóng thuế trên các mạng xã hội….
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), Antonio Guterres, nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm và công bằng, AI có thể tạo ra đột phá trong con đường phát triển của các quốc gia: “AI có thể thúc đẩy mạnh mẽ hành động khí hậu và các nỗ lực thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Nhưng tất cả những điều này phụ thuộc vào việc các công nghệ AI được huy động một cách có trách nhiệm, và có khả năng tiếp cận đối với tất cả, bao gồm các nước đang phát triển, vốn là những nước cần công nghệ này nhất”.
Ở cấp độ toàn cầu, AI bắt đầu được triển khai để xây dựng các mô hình dự báo dịch bệnh mới, tích hợp vào các dịch vụ y tế, dự báo các biến động thời tiết, phát triển các giống cây trồng có khả năng thích ứng cao hơn với biến đổi khí hậu, từ đó xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu mới bền vững hơn.
Phát triển AI có trách nhiệm để hạn chế rủi ro
Bên cạnh những lợi ích tiềm năng to lớn, AI cũng bắt đầu tạo ra lo ngại. Trước sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ AI trong năm nay, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia công nghệ ngày càng trở nên cảnh giác hơn trước các rủi ro mà AI có thể tạo ra đối với an ninh quốc gia, sự ổn định của các xã hội và xa hơn nữa là sự an toàn của nhân loại.
Giữa năm nay, Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty AI hàng đầu thế giới cùng hàng trăm nhà nghiên cứu và chuyên gia đã cùng ký vào 1 Tuyên bố, nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu nguy cơ từ AI phải là ưu tiên toàn cầu, đồng thời ví hành động này có tính cấp bách như việc ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân. Tỷ phú Mỹ, Elon Musk, một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển công nghệ AI, cũng lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ này nếu không được kiểm soát: “Tôi nghĩ rằng dư luận đã có thời điểm quá lạc quan về công nghệ AI. Tôi nói điều này với tư cách một kỹ sư công nghệ nên biết rõ về nó. Nếu phải cân đo thì tôi cho rằng AI đa phần là một nguồn lực tốt nhưng khả năng nó trở thành công nghệ xấu không phải là 0%. Do đó chúng ta cần phải giảm nhẹ các mặt trái tiềm ẩn của công nghệ này”.
Trước các thách thức về việc AI có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát, tác động tiêu cực đến con người, cộng đồng thế giới trong năm nay đã tăng tốc kiểm soát việc phát triển và sử dụng AI. Đầu tháng 11, lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn AI được tổ chức tại Anh, thông qua Tuyên bố Bletchley với chữ ký của đại diện 27 quốc gia, trong đó có những cường quốc AI hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), cam kết thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và hợp tác quốc tế trong sử dụng và nghiên cứu AI an toàn. Cũng từ Hội nghị này, các nước đã đề ra nguyên tắc kiểm soát AI “an toàn từ thiết kế” (secure by design) hay việc các nhà phát triển AI cam kết cho phép các chính phủ kiểm tra mức độ an toàn của các công nghệ AI trước khi công bố ra công chúng.
Một loạt các cơ chế kiểm soát AI khác cũng ra đời trong năm nay. Cuối tháng 10, LHQ công bố thành lập Ban cố vấn AI, với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế. Đặc biệt, đầu tháng 12, EU đạt được thỏa thuận chính trị về các điều khoản trong dự thảo Đạo luật AI. Đây sẽ là đạo luật đầu tiên và đầy đủ nhất về AI được triển khai trên thế giới.
Ở cấp độ quốc gia, Mỹ và Anh đều đã thành lập các Viện An toàn AI nhằm đánh giá và thử nghiệm các mô hình mới, qua đó xác định tất cả các rủi ro tiềm ẩn từ AI. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã công bố “Sáng kiến quản trị AI toàn cầu”, đưa ra một số quy định tạm thời đối với công nghệ AI tạo sinh. Ngoài ra, hơn 50 tập đoàn và tổ chức nghiên cứu, như: Meta, IBM, Intel, Sony, Dell, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)... đã cùng thành lập Liên minh AI nguồn mở nhằm bảo đảm một phương thức hợp tác cởi mở và minh bạch hơn trong việc phát triển công nghệ này.