(VOV5) - Cụ thể Bình Dương triển khai phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Nguồn: Thư viện ảnh baobinhduong.gov.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bình Dương trong thời gian qua đã có nhiều cách làm hay trong xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính. Một trong số đó là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho cải cách các thủ tục hành chính. Bài viết giới thiệu tổng quan và những tiện lợi khi triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Bình Dương được Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá xếp hạng thứ 4/63 tỉnh thành cả nước về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018), tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có mức thăng hạng vượt bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 14 năm 2017 lên vị trí thứ 6 năm 2018. Ở khu vực Đông Nam bộ, Bình Dương vươn lên hạng nhất khu vực. Điều đó là minh chứng cho thấy các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai, ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trong hoạt động cải cách hành chính, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể triển khai phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Hiện, trên 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trang thông tin hành chính công hỗ trợ tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ tại bộ phận 1 cửa cấp tỉnh, huyện, tổng hợp kết quả giải quyết hồ sơ toàn tỉnh cho phép chuyển trả kết quả qua bưu điện.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương, cho biết: "Qua kết quả khảo sát do tỉnh quy định tiêu chí và cách thức khảo sát thì kết quả ban đầu cho thấy, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn đạt khoảng 97%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được đánh giá chiếm khoảng 96%. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh, cải tiến trong thời gian tới để sự hài lòng này ngày một nâng cao".
Tính đến nay, việc ứng dụng CNTT đem lại những kết quả nổi bật. Điển hình là triển khai thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ trong thời gian 2 ngày làm việc. Việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt trên 98%; thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 100% trong nộp tờ khai, nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, các sở, ngành và UBND cấp huyện đến hết năm 2020 phải tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Ông Mai Hùng Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định: "Trung tâm hành chính công của tỉnh góp phần rất tốt cho việc đánh giá của doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công của tỉnh. Qua đó cũng thấy rằng, vấn đề thứ hạng cũng là vấn đề quan trọng nhưng cũng không quan trọng bằng chỉ số PCI đánh giá, từ đó sắp xếp xem cái gì đã làm được, chưa làm được để cải cách hơn nữa. Và chỉ có cải cách liên tục, cải cách không ngừng thì môi trường kinh doanh của Bình Dương mới tốt hơn".
Trong ứng dụng CNTT vào lĩnh vực hải quan một cửa, 100% hồ sơ khai quan được thực hiện hoàn toàn qua mạng; các quy trình nghiệp vụ được tin học hóa nhằm giúp hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thông quan hàng hóa. Việc thực hiện này góp phần rút ngắn thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Cũng qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương đã đem đến sự hài lòng cho người dân, đặc biệt việc đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả tại địa phương nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Ông Trần Hữu Khang, Cty TNHH Nippon Vietnam, chia sẻ: "Khi áp dụng chương trình dịch vụ công này thì chúng tôi chỉ phải đi một lần thôi. Nhờ những thuận lợi này mà công ty chúng tôi đã giảm được những chi phí như đi lại, thời gian lao động… Và thời gian đó dành cho những công việc khác hữu ích hơn".
Đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả cao, Bình Dương đã dần hình thành các điều kiện để sẵn sàng hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến một nền hành chính hiện đại, ngày càng thân thiện để phục vụ cho nhân dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó tập trung đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp.